Giá thực phẩm tại chợ tăng nhanh
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đại diện công ty quản lý kinh doanh và khai thác chợ cho biết, nhiều mặt hàng bán tại chợ đã tăng giá bán sỉ do chịu tác động của nhiều yếu tố như giá vận chuyển, giá USD, giá nguyên liệu… Nhìn chung, các loại nông sản, rau củ, trái cây bán sỉ đều nhích giá thêm 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Bảng báo giá mới nhất tại chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng cho thấy, giá bán sỉ thủy hải sản các loại đã tăng bình quân từ 400 đến 5.000 đồng/kg, tùy loại. Ví dụ như cá thu bán sỉ giá 65.000-75.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), cá nục 20.000-30.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), tôm sú (loại nhỏ) 70.000 đồng/kg và loại lớn 140.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg)...
Tương tự, tại chợ đầu mối Bình Điền, giá các mặt hàng thuỷ hải sản tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg và lượng hàng nhập về chợ giảm 20-30 tấn so với trước đây. Đặc biệt là gạo đã tăng thêm 500 - 700 đồng/kg. Hiện gạo thành phẩm 5% tấm khoảng 7.350 - 7.380 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.800 - 6.900 đồng/kg và gạo 25% tấm ở mức 6.300 đồng/kg.
Tương tự, giá bán lẻ nhiều loại thực phẩm tại các chợ cũng được điều chỉnh vì 2 lý do là mức giá bán sỉ tăng tại chợ đầu mối và phát sinh phí vận chuyển từ chợ đầu mối về chợ bán lẻ. Ví dụ như đường, do nhu cầu tiêu thụ đường vào hè tăng cao nên giá đường tăng liên tục từ tháng 4 đến nay. Giá đường kính trắng tăng khoảng 300 – 500 đồng/kg.
Hiện giá bán buôn đường kính trắng ở mức 9.500 - 9.700đồng/kg, giá bán lẻ trên thị trường phổ biến ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg. Do vậy, một số sản phẩm chế biến liên quan đến đường đều phải điều chỉnh giá bán tăng theo tương ứng. Ông Trương Minh Đức, Phó phòng Kinh doanh Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, đơn vị quản lý chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng lại cho rằng, việc tăng giá bán là do lượng hàng về chợ giảm, phù hợp quy luật cung cầu.
Siêu thị giữ giá nhờ hàng tồn kho
Trong khi các chợ, cửa hàng bán lẻ đã bắt đầu tăng giá thì các siêu thị vẫn giữ giá niêm yết cũ. Tuy vậy, hầu hết các siêu thị đều cho hay, sau một thời gian cầm cự do còn hàng tồn kho mua với giá cũ, sắp tới, các siêu thị sẽ phải bắt tay vào việc điều chỉnh giá mới.
Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, hiện các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm dự kiến sẽ thay đổi giá mới tăng 7-10%. Các siêu thị thuộc hệ thống Citimart, Maximark... cũng không tránh khỏi việc áp dụng bảng giá mới đối với nhiều mặt hàng.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhìn nhận: “Lượng hàng dự trữ của chúng tôi đủ bán trong vòng một tháng tới. Nếu các nhà cung cấp muốn tăng giá thì qua tháng 6 mới có thể tính lượng tăng là bao nhiêu”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Siêu thị Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay, siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá bán của hơn 100 nhà cung cấp. Cá biệt, có một số mặt hàng do siêu thị không dự trữ được nên ngay từ bây giờ đã phải tăng giá bán khoảng 5%-7% như trứng, rau tươi, đường...
Với một số mặt hàng gia dụng nhựa, inox, nhôm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến..., siêu thị cũng đã nhận được thông báo tăng giá bán trong thời điểm này, nhưng vì còn lượng hàng dự trữ nên vẫn bán ở mức giá cũ. Tuy vậy, theo bà Hải, đến tháng 6, khi hàng mới nhập về thì bắt buộc giá bán nhiều mặt hàng sẽ đồng loạt được điều chỉnh tăng, ước tính có thể tăng từ 7%-10%.
Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, Satra chủ trương chưa tăng giá bán các mặt hàng thực phẩm chế biến của các đơn vị thành viên. Nguyên nhân chính do nguồn nguyên liệu vẫn còn để sản xuất đến hết tháng 6.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Công ty cổ phẩn Mỹ phẩm Sài Gòn cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất hiện đã tăng 20%-30% so cùng kỳ năm 2008, nên việc tăng giá bán thành phẩm thêm khoảng 5%-10% cũng vẫn chưa bù đắp được chi phí phát sinh.
Theo bà Phan Thị Hòa, cửa hàng Hòa Hạnh tại quận Bình Thạnh, trước thông tin bắt đầu tăng giá của một số mặt hàng, từ một tuần nay người tiêu dùng tăng mua những mặt hàng thiết yếu với số lượng lớn để dự trữ. Như vậy, giá nguyên liệu đầu vào tăng cộng với việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã thực sự tác động lên giá bán một số mặt hàng trên thị trường. Lần tăng giá bán này hoàn toàn có cơ sở chứ không phải do các doanh nghiệp dựa hơi... xăng dầu hoặc “ăn” theo giá nguyên liệu...Trong bối cảnh như vậy thì người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp như cán bộ, công nhân viên đã bắt đầu cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý.