5/21/2009 8:57:16 AM

Người gửi tiết kiệm lại đứng trước việc chọn lựa ngân hàng để tìm kiếm mức lãi suất cao nhất cho mình.

Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền đồng với lãi suất tiết kiệm lên xấp xỉ 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD đang đà giảm. Người đi vay đang trở lại ngân hàng

Khát vốn dài hạn

Người gửi tiết kiệm lại đứng trước việc chọn lựa ngân hàng để tìm kiếm mức lãi suất cao nhất cho mình. Từ đầu tháng đến nay, các ngân hàng quy mô liên tục thay phiên nhau tăng lãi suất tiết kiệm. Mức tăng tập trung cao ở các loại tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất cao nhất lên đến 9,3 – 9,5%/năm.

Các sản phẩm đi kèm theo lãi suất cũng được tung ra. Sacombank với sản phẩm “tiền gửi gắn kết đầu tư”, mà người gửi tiết kiệm vừa gửi tiền, vừa có thể tham gia đầu tư vàng, ngoại tệ… bằng chính tiền lãi nhận được; hoặc gửi tiền được tặng ngay lãi suất ở ngân hàng Miền Tây, gửi tiền trúng vàng ở ngân hàng Việt Á, tiết kiệm tặng bảo hiểm của ngân hàng An Bình…

Có ba lý do chính thúc đẩy các ngân hàng mạnh tay tăng lãi suất. Các nhà băng đang ý thức số tiền người gửi tiết kiệm hiện đang bị âm. Dù giảm còn một con số, nhưng so cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 9,23%.

Nghĩa là với lãi suất trung bình 8,3%/năm, tiền của người gửi tiết kiệm bị hao hụt gần 1%. Hơn nữa, việc cung tiền tăng tín dụng để kích cầu, cho thấy những lo ngại về lạm phát sắp tới.

Theo ông Trang Văn Sanh, cựu tổng giám đốc ngân hàng, nếu còn làm ngân hàng, ông sẵn sàng tăng lãi suất huy động lên 10%/năm, không chỉ vì con số lãi suất thực dương không còn. Mà quan trọng hơn, các nhà băng đang thấy cơ hội tăng trưởng tín dụng thông qua gói hỗ trợ lãi suất trung dài hạn.

Hơn nữa, Chính phủ hôm 12.5 chính thức công bố chi tiết gói kích cầu trị giá tương đương 8 tỉ USD, trong đó có 17.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất vay vốn trung và dài hạn, càng là động lực để các nhà băng điều chỉnh mạnh lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Vả lại, trong tháng 4 vừa qua, tốc độ huy động chậm hơn tốc động cho vay khiến không ít ngân hàng lo ngại.

Cuối cùng, giám đốc khối cá nhân một ngân hàng cho rằng, một số ngân hàng tranh thủ thời cơ để đánh giá thị trường có chấp nhận gói tiết kiệm kỳ hạn dài hay không. Nhất là khi nhiều ngân hàng luôn rơi vào tình trạng lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Người vay đang trở lại

Người vay cá nhân đã trở lại với ngân hàng trong vài tuần nay, giám đốc khối cá nhân ngân hàng trên cho biết. “Tín dụng cá nhân đã khởi sắc trở lại, họ chấp nhận được mức lãi suất thoả thuận tương đương 12%/năm chúng tôi đưa ra”, ông nói.

Với biến động tăng lãi suất tiền gửi đồng xấp xỉ 10%, trong khi lãi suất cho vay tối đa là 10,5%, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trừ tín dụng tiêu dùng, với hầu hết các loại hình cho vay, bài toán lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Vả lại, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp đầu tuần này, cho rằng mức lãi suất 10% ở các kỳ hạn dài là không cao, không đại diện cho lãi suất bình quân thị trường.

Các con số ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãi suất tiền đồng liên ngân hàng giảm thời gian qua và thanh khoản tiền đồng dồi dào. Thực tế, để hưởng được mức lãi suất cao, người gửi phải có số tiền gửi tối thiểu là một tỉ đồng trở lên ở kỳ hạn 36 tháng mới có lãi suất 9,5%/năm.

Trước nhiều ý kiến trái ngược nhau về lãi suất cơ bản, ở góc độ người kinh doanh ngân hàng, ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB, cho rằng lãi suất cơ bản hiện nay là ổn.

Theo ông, lãi suất USD đã giảm, nhưng nếu giảm lãi suất cơ bản sẽ làm giảm lãi suất huy động tiền đồng, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Nếu lãi suất quá thấp sẽ khiến người dân có thể chuyển sang một hình thức tiết kiệm khác.

SGTT  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.