Nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, khiến các ngành công nghiệp đều rơi vào cảnh đầu ra bị thu hẹp, tiêu thụ chậm, tồn kho dồn cục.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng 3,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công Thương nhận định, 4% là mức tăng thấp, chưa kể trong đó đã có phần “trợ lực” không nhỏ từ chính sách kích cầu sản xuất và tiêu dùng của Chính phủ.
Công nghiệp quốc doanh ở địa phương sụt giảm tới 4,8%, trong khi khu vực kinh tế Trung ương tăng trưởng rất thấp, chỉ đạt 1,4%.
Với vị thế kinh tế Nhà nước, luôn được hưởng nhiều ưu đãi nhất cũng như tiếp cận các chính sách kích cầu dễ dàng nhất, công nghiệp quốc doanh lại đang chứng tỏ hiệu quả kém nhất.
Điều này cũng thể hiện rõ trong tỷ trọng đóng góp cho tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm.
Khu vực kinh tế quốc doanh chỉ đạt 62,281 nghìn tỷ đồng, đóng góp 23,4% giá trị công nghiệp trong khi dân doanh và FDI lần lượt đạt 96 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,1% và 107,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,3%.
Những tỉnh, thành phố vốn có tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao nhất như Bà Rịa- Vũng Tàu cũng chỉ đạt 10,5%, Quảng Ninh 10,3%, Bình Dương chỉ tăng 5,1% trong khi hai “đầu tàu” Hà Nội và TP.HCM đều tăng rất thấp 4,4% và 3,4%.
Với những con số thống kê ảm đạm này, Bộ Công Thương nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2009, nền sản xuất sẽ phải phấn đấu ở mức rất cao.