6/2/2009 8:37:18 AM

Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn thúc giục Việt Nam tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển và các đường giao thông nối cảng với các khu công nghiệp.

Vấn đề này đã được đề cập bởi đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) và Tiểu ban Cảng biển của Nhóm công tác cơ sở hạ tầng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tại hội nghị diễn ra tại TPHCM ngày 1-6. 

Chủ tịch của EuroCham, ông Alain Cany cho rằng nhu cầu vận chuyển hàng container ngày càng tăng đã đặt ra nhiều thách thức với năng lực bến bãi và hệ thống cảng của Việt Nam. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của Việt nam trong thời gian tới nếu không được giải quyết một cách toàn diện. 

Cùng quan điểm với ông Cany, Chủ tịch của AmCham tại TPHCM, ông Thomas Siebert cho rằng vẫn còn đó những yếu kém về cơ sở hạ tầng và sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án trọng điểm như cảng biển và các công trình hạ tầng trên mặt đất liền kề với cảng, đường giao thông… 

Ông Barry Akbar, thuộc Tiểu ban cảng biển cho rằng, hiện tại đang tồn tại 3 vấn đề cần phải giải quyết cấp bách để Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng hơn nữa trong lĩnh vực thương mại. Đó là phát triển hạ tầng cơ sở giao thông vận tải kết nối các khu công nghiệp và các cảng biển ở miền Nam, phát triển giao thông vận tải tại các cảng miền Bắc, thống nhất và minh bạch hóa thủ tục hải quan.

Ông cũng đề xuất mở rộng dự án quốc lộ 51, nối Biên hòa với Vũng Tàu và đáp ứng lưu lượng giao thông xe container ngày càng tăng, cần thêm đường nhánh huyết mạch cho tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, và đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối liền các khu công nghiệp chính ở Đồng Nai với các cảng nước sâu. 

Trả lời những băn khoăn của các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Huệ cho biết, kế hoạch tổng thể phát triển cảng biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 có thể sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt trong quý 3-2009.
 
Theo kế hoạch này, sẽ hình thành nhóm cảng biển hiện đại nhất Việt Nam tại khu vực sông Thị Vải, góp phần thúc đẩy kinh tế tại khu vực phía Nam và cả nước.

Ông Huệ nói, quốc lộ 51 sẽ còn phải chịu thêm nhiều áp lực vì sẽ có thêm hàng trăm ngàn tấn hàng hóa được vận chuyển theo tuyến này. Do vậy, Bộ Giao thông-Vận tải đã chuẩn bị cho triển khai dự án mở rộng quốc lộ 51 với chiều dài 72 km lên làm 6 làn xe với số vốn đầu tư là 2.000 tỉ đồng và dự kiến công việc sẽ bắt đầu vào quý 4-2009. 

Ông Huệ nói, dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến cũng sẽ được khởi công vào quý 3-2009 và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ năm 2011, với quy mô từ 4 đến 6 làn xe. 

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ  sớm khởi công khu cảng Lạch Huyện, là khu chính của cảng Hải Phòng và có thể tiếp nhận tàu có sức chở 4.000 - 6.000 TEU, trọng tải 5-8 vạn DWT; ông Huệ cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. 

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận xét rằng, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là “2 nút thắt cho phát triển của Việt Nam”. 

Ông Phúc nói, tất cả những vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế Việt Nam sẽ được báo cáo, thảo luận tại cuộc họp giữa kỳ của nhóm các nhà tài trợ diễn ra vào ngày 8 và 9-6 tới tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế thới (WB) và Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức.
TBKTSG  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.