Số liệu ước tính cho thấy, năm 2008, lượng xe ô tô mới được tiêu thụ (xe con, xe tải, xe buýt lẫn xe chuyên dụng với đủ các hình thức lắp ráp hay nhập khẩu nguyên chiếc) vào khoảng 150.000 xe, tăng mạnh so với khoảng 100.000 xe của năm 2007 trước đó. Đây được xem là con số ấn tượng khi mà ngành công nghiệp ô tô theo đúng nghĩa vẫn chưa có tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với những khó khăn của thị trường thế giới, cộng thêm những thay đổi đáng kể trong chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với xe 6 - 9 chỗ, dự báo trong năm 2009, lượng ô tô mới chỉ tiêu thụ được khoảng 130.000 xe.
TS. Udo Loersch, Tổng giám đốc Công ty Mercedes - Benz Việt Nam cũng cho rằng, mức tiêu thụ xe trong năm 2009 chỉ tương đương năm 2007, tức là khoảng 125.000 chiếc. Nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút tiêu thụ là do chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tất nhiên, mức độ chính xác của dự báo này tới đâu, thì còn phải chờ tới hết năm. Nhưng với số lượng xe tiêu thụ chỉ ở khoảng 150.000 xe/năm và lại chia cho rất nhiều hãng xe, chủng loại xe, thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn rất xa mới có thể “cất cánh”.
Ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc Công ty Euro Auto, đại lý phân phối BMW chính hãng tại Việt Nam nhận xét, một số nước lân cận như Malaysia có số lượng xe mới tham gia giao thông khoảng 700.000 xe/năm, hay “khiêm tốn” về diện tích như Singapore, thì tổng số xe đang lưu hành cũng vào khoảng 4 - 5 triệu chiếc. “Nếu Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng như thêm 500.000 hay 1 triệu chiếc xe tham gia lưu thông mỗi năm, thì công nghiệp ô tô tự nó sẽ được đẩy mạnh”, ông An nhận xét.
Với số lượng xe đang lưu hành ít, cộng thêm lượng xe mới tham gia giao thông hàng năm không nhiều, thì việc thu hút được mối quan tâm của các nhà đầu tư tới thị trường nội địa hay có những kế hoạch đầu tư sản xuất mạnh tại Việt Nam là vô cùng khó khăn.
Thừa nhận thực tế trên, một liên doanh ô tô cho hay, có quá nhiều mục tiêu đồng thời được đưa ra xung quanh chiếc ô tô (giá xe rẻ, thu được nhiều thuế, hay có được ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh). Tuy nhiên, biện pháp để đạt được các mục tiêu nói trên (trừ thu thuế) dường như đều không rõ ràng. Thậm chí, tốc độ thay đổi các chính sách thuế, như giảm hay tăng mạnh diễn ra rất nhanh, khiến người tiêu dùng chưa kịp mừng vì có thể mua được xe rẻ, lại bất ngờ trước việc giá xe tăng.
Đó là chưa kể, tới nay, mặc dù lộ trình giảm thuế theo các điều khoản cam kết của khu vực ASEAN hay WTO đã bắt đầu có hiệu lực với mức thuế suất thuế nhập khẩu 70% vào năm 2014 và xuống còn 0% vào năm 2018, nhưng đường hướng rõ ràng để cho ngành công nghiệp ô tô đi tới mốc thời gian đó với mục tiêu cụ thể bao nhiêu xe và phải làm gì, thì vẫn chưa có.
Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, một trong những điểm yếu hiện nay để phát triển ngành công nghiệp ô tô là cơ sở hạ tầng kém phát triển và điều này đã ngăn cản việc gia tăng số lượng ô tô tham gia lưu thông. Và cái vòng luẩn quẩn của việc hạn chế số lượng ô tô mới tham gia lưu thông này lại khiến giá xe tăng cao, số lượng xe bán ra vẫn thấp và các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào thị trường có lượng ô tô tiêu thụ thấp như Việt Nam.
Ông An nhận xét, hiện tại, bình quân mức chi cho cầu đường của một xe ô tô con tại Việt Nam là 20 USD/tháng (khoảng 250 USD/năm). Như vậy, mỗi năm, phí cầu đường thu được từ khoảng 1 triệu chiếc xe đang lưu hành cũng chưa tới 500 triệu USD. Con số này được xem là thấp so với nhu cầu đầu tư xây cầu đường hàng năm lên tới vài tỷ USD của một nước đang phát triển như Việt Nam.
Bởi vậy, việc đánh thuế thật cao khi muốn sở hữu ô tô, trong khi sau đó đường sá không phát triển, nên tình trạng không dám mua xe vì đắt hay mua xe để khoe, thay vì để đi, xét về tổng thể là lãng phí cho nền kinh tế, chứ không phải là tiết kiệm. Hơn nữa, mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài vì thế luôn là “chuyện dài kỳ nói mãi vẫn vậy”. Câu chuyện này đang diễn ra ngược với các nước khác, khi giá xe ban đầu rất rẻ để khuyến khích mua xe và khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư đường sá.
Với thực tế trên, giấc mơ 1 triệu chiếc xe/năm và từ đó có ngành công nghiệp ô tô xem ra vẫn còn cần thêm nhiều thời gian và công sức.