Đến nay, UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận cho 45 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư 82 công trình thủy điện với tổng công suất dự kiến 944,3 MW, tổng giá trị đầu tư khoảng 19.599,87 tỷ đồng, chưa kể 4 công trình đang thăm dò khảo sát bổ sung quy hoạch.
Các dự án đang tiến hành khá thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn nhất của các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai hiện nay là chưa có đường dây truyền tải để đấu nối bán điện lên mạng lưới quốc gia. Đây cũng là nội dung cuộc họp bàn giữa Bộ Công Thương, EVN và lãnh đạo tỉnh Lào Cai diễn ra tại Hà Nội ngày 30/6 vừa qua.
Nhà đầu tư cần nhưng ngành điện chưa vội
Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà- Hoàng Liên (Lào Cai) hiện đang xây dựng Nhà máy thủy điện Sử Pán 2 công suất 34,5 MW, dự kiến cuối năm 2009 nhà máy này sẽ cơ bản hoàn và tháng 5/2010 sẽ đi vào hoạt động với sản lượng điện hàng năm cung cấp lên lưới điện 141 triệu KWh. Công ty cũng chuẩn bị đầu tư dự án thủy điện Sử Pán 1 công suất 17 MW, thủy điện Nậm Củn công suất 37 MW.
Ông Nguyễn Thanh Kim, Giám đốc công ty cho biết, khó khăn nhất hiện nay là lưới điện truyền tải và các trạm biến áp 220kV, 110kV để đưa điện lên lưới điện quốc gia vẫn chưa được triển khai. Nếu điện đã có mà không có đường truyền tải thì nhà máy chỉ còn cách đắp chiếu hoặc phá sản. Không riêng thủy điện Sử Pán 2 mà năm 2010 Lào Cai có tới 27 dự án thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất 405,9 MW, nâng tổng số nhà máy thủy điện có thể hòa lưới quốc gia đến năm 2010 lên 38 nhà máy với tổng công suất trên 450 MW.
Năm 2011 có 5 công trình hoàn thành với tổng công suát 170,5 MW, sau năm 2011 sẽ có tiếp 39 công trình tiếp tục phát điện. Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện của Lào Cai đến năm 2010 chỉ khoảng 170 MW, số còn lại phải bán vào lưới điện quốc gia. Vì vậy, Lào Cai đang cần xây dựng đường dây 220 kV mạch kép Lào Cai – Yên Bái; Đường dây 110 kV đi các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa và thành phố Lào Cai; Đường dây 110 kV Tằng Loỏng – Van Bà – Than Uyên và 4 trạm 110 – 220 kV. Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư lo lắng nhất là “nước sắp đến chân” rồi mà “nhà điện” vẫn “bình chân như vại”, chưa có động tĩnh gì về việc xây dựng đường dây truyền tải.
Theo quy định, đường dây 220 KV trở lên phải do Tổng công ty truyền tải điện Việt Nam (thuộc EVN) xây dựng và quản lý, còn đường dây 110 kV trở xuống thuộc trách nhiệm của các công ty điện lực. Thế nhưng, hiện EVN vẫn đang cân nhắc xem có xây dựng đường dây 220 kV hay không vì điều này còn phụ thuộc vào kế hoạch mua điện từ Trung Quốc trong những năm tiếp theo (kế hoạch này đến nay vẫn chưa quyết định).
Với đường dây 110 kV thì ông Thiều Kim Quỳnh, phó giám đốc Công ty Điện lực 1 (PC1) cho biết, kế hoạch của PC1 là đến năm 2015 mới xây dựng tuyến đường dây 110 kV Tằng Loỏng – Văn Bàn – Than Uyên. Nếu các nhà đầu tư thủy điện nhỏ không thể chờ đến năm 2015 mà muốn xây dựng đường điện ngay thì phải tự đầu tư và tự khấu hao. Đến năm 2015 PC1 sẽ tiếp nhận và hoàn trả phần tài sản còn lại. Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết: xây dựng đường dây chậm ngày nào là các dự án thủy điện bị thất thu ngày ấy. Hiện Lào Cai đang đề nghị ngành Điện xây dựng đường dây 220 kV mạch kép Lào cai – Yên Bái và trạm 220 kV Bảo Thắng công suất (2x125 MVA) – 220/110/35/22kV.
Còn đường dây 110 kV đi các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa và thành phố Lào Cai; Đường dây 110 kV từ các nhà máy thủy điện, cụm thủy điện ra các điểm đấu nối và các trạm 110 kV thì Lào Cai đang huy động chủ đầu tư các dự án thủy điện góp vốn theo tỷ lệ công suất lắp máy để đấu nối truyền tải điện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt.
EVN có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý vận hành khai thác và hoàn trả lại vốn cho các nhà đầu tư theo trích trả khấu hao qua từng năm (thời gian hoàn trả trong vòng 10 năm) hoặc trả bù qua giá mua điện từ các nhà máy thủy điện. Phương án góp vồn đã được các chủ đầu tư nhất trí. Hiện chỉ còn chờ câu trả lời của EVN: đơn vị nào sẽ tiếp nhận, phương án hoàn trả vốn thế nào nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Xã hội hóa xây dựng đường dây là cần thiết nhưng phải có cơ chế
Thủy điện nhỏ bí đầu ra là nỗi lo không của riêng Lào Cai mà là tình trạng chung của hầu hết các tỉnh có các dự án thủy điện nhỏ.
Tại buổi họp bàn về lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Kon Tum đầu tháng 3 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cũng đề nghị EVN cần sớm có kế hoạch xây dựng đường trục chính, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các nhà đầu tư ngoài ngành điện tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện theo phương án: các nhà đầu tư thủy điện góp vốn xây dựng đường dây, ngành điện tiếp nhận và hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư sau một thời gian nào đó.
Hoặc nhà đầu tư được toàn quyền xây dựng và kinh doanh trên hệ thống truyền tải điện bằng cách cho thuê bao đường dây hoặc mua điện của các công trình. Tỉnh Quảng Nam cũng đang đề nghị để các chủ dự án góp vốn đầu tư đường dây truyền tải nhằm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Vấn đề các chủ dự án quan tâm là việc thỏa thuận giá bán điện hoặc hoàn trả vốn sẽ như thế nào để tránh gây khó khăn thiệt thòi cho nhà đầu tư.
Theo một quan chức của EVN, hiện EVN khó có thể đáp ứng ngay lập tức các đường dây truyền tải trên cả nước. Lý do là hiện có nhiều nhà đầu tư khi lập dự án thường khai vống công suất để vay vốn, khi đi vào vận hành thì lượng điện phát ra chỉ bằng 60 – 80% công suất đã đăng ký, nhất là vào mùa khô. Vì vậy, đường dây truyền tải thường không sử dụng hết công suất nên rất lãng phí trong khi suất đầu tư cho đường điện 110 kV và 220 kV rất tốn kém (2,5 - 3 tỷ đồng/km) mà ngành điện lại đang rất khó khăn về vốn. Đó là chưa kể, có nhiều dự án địa phương phê duyệt không thông qua EVN nên EVN không nắm được quy hoạch. Vì vậy, EVN không thể đưa vào kế hoạch dài hạn đầu tư xây dựng nâng cấp đường dây.
Hiện cả EVN và các nhà đầu tư đều rất mong Bộ Công Thương ban hành quy định phân phối ranh giới đấu nối để có cơ sở pháp lý trong quá trình đàm phán. Chỉ đạo vấn đề này, Thứ trưởng Bộ công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định: việc các tỉnh chủ động nguồn điện và phương án xây dựng đường dây truyền tải là động thái rất tích cực, góp phần chủ động nguồn điện cho quốc gia.
Bộ Công Thương và EVN rất ủng hộ sự chia sẻ tích cực của các địa phương. Vấn đề là phải có sự bàn bạc thống nhất cụ thể trách nhiệm của mỗi bên: ai sẽ làm, kinh phí ở đâu, nếu các nhà máy tự đầu tư thì phương án bồi hoàn thế nào. Thứ trưởng cũng nhắc nhở các địa phương cần cân nhắc, rà soát lại công suất đầu tư của các nhà máy thủy điện trước khi cấp phép, tránh gây lãng phí cho các dự án đường dây sau này. Đặc biệt, trước khi khởi công dự án, các nhà đầu tư cần có đàm phán cụ thể với EVN về phương án truyền tải, giá bán điện và điểm đấu nối, tránh đưa cả 2 bên vào thế bị động.