Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Bùi Bá Cường, vụ trưởng vụ Thống kê tài khoản quốc gia – tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết tổng tiêu dùng của người dân đã giảm 10% trong sáu tháng đầu năm 2009 (so với sáu tháng đầu năm 2008). Nếu đúng như vậy, mức suy giảm này có thể nói là vô cùng trầm trọng, ngay cả nếu so sánh với những nước là trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại như Anh và Mỹ.
Hầu hết các nước trên thế giới có tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của người dân trên GDP vào khoảng 60 – 80%, do vậy tổng tiêu dùng cuối cùng của người dân có đóng góp rất quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong hệ thống tài khoản quốc gia (National Accounts), tổng sản phẩm quốc nội được định nghĩa là GDP = C + G + I + X – M, trong đó C là tổng tiêu dùng cuối cùng của người dân, G là tổng tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ, I là tổng đầu tư bao gồm cả tồn kho, X là xuất khẩu và M là nhập khẩu. Đôi khi hai thành phần X – M được gộp lại chung thành NX, nghĩa là cán cân thương mại.
Do vậy tốc độ tăng trưởng của GDP sẽ là trung bình trọng số tăng trưởng của từng thành phần nói trên, với trọng số là tỷ lệ đóng góp của mỗi thành phần trong GDP. Ở Việt Nam, tỷ trọng của C là 65%, G là 6%, I là 42%, NX là -13%. Cán cân thương mại có trọng số âm vì Việt Nam trong thời gian vừa qua luôn có thâm hụt ngoại thương, nghĩa là xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu.
Với trọng số của tổng tiêu dùng cuối cùng của người dân (C) là 65%, nếu trong sáu tháng đầu năm C giảm 10% thì đóng góp của thành phần này vào GDP là âm 6,5%.
Theo thông cáo báo chí của TCTK, GDP trong sáu tháng đầu năm tăng 3,9%, nghĩa là chênh lệch giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng của người dân là 3,9 – (-6,5) = 10,4%. Trong giai đoạn từ 1996 đến 2007, chênh lệch tăng trưởng này thường dao động trong khoảng +/-1%.
Con số cao nhất trong lịch sử là 3,7% vào năm 2000, năm mà kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và Chính phủ cũng phải có một số biện pháp kích cầu để giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mức chênh lệch hiện tại lên đến 10,4%, gần gấp ba lần so với kỷ lục cũ, cho thấy tác hại nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu vào nền kinh tế Việt Nam.
Trong các thành phần còn lại của GDP, theo thông cáo báo chí của TCTK, cán cân thương mại (NX) đã sụt giảm rất mạnh trong sáu tháng đầu năm. Thâm hụt thương mại đã giảm 83% so với sáu tháng đầu năm 2009 do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giảm nhanh gấp ba lần tốc độ xuất khẩu (-34,1% so với -10,1%). Tạm bỏ qua ảnh hưởng do thay đổi giá cả xuất nhập khẩu tính theo USD, phần đóng góp của NX vào tăng trưởng GDP là 10,7% (-83% x -13%).
Như vậy chỉ riêng phần sụt giảm thâm hụt thương mại đã bù hoàn toàn vào phần sụt giảm do tiêu dùng cuối cùng (-6,5%). Tổng hợp hai yếu tố này góp phần làm GDP tăng (-6,5%) + 10,7% = 4,2% trong sáu tháng đầu năm 2009. Do đó, hai yếu tố còn lại (G+I) phải có đóng góp âm bằng 3,9 – 4,2 = -0,3%.
Trong hai yếu tố này, G có trọng số rất nhỏ (6%) và chủ yếu bao gồm chi tiêu thường xuyên của Chính phủ nên khả năng thay đổi và đóng góp vào tăng trưởng GDP sẽ không đáng kể. Như vậy có thể nói phần đóng góp âm -0,3% nói trên chủ yếu do đầu tư (I) giảm sút. Vì I có trọng số 42% nên để thành phần này làm giảm -0,3% GDP thì tổng đầu tư phải giảm 7,1% trong giai đoạn này.
Như vậy chính sách “kích cầu” thông qua bù lãi suất, hay chính xác hơn là “kích đầu tư”, mặc dù làm tổng đầu tư khu vực trong nước tăng 35% (theo giá thực tế) nhưng đã không đủ để bù cho phần giảm sút rất mạnh của đầu tư nước ngoài (-18,4%).
Tóm lại, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã và đang có ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế Việt Nam. GDP của Việt Nam tăng 3,9% trong sáu tháng đầu năm, nếu chính xác, hoàn toàn do thâm hụt thương mại thu hẹp chứ tất cả các hoạt động kinh tế nội địa đều sụt giảm.
Chính sách kích cầu của Chính phủ, mặc dù giúp các ngân hàng trong nước tiếp tục có lãi lớn trong sáu tháng đầu năm, nhưng không vực dậy được tổng đầu tư xã hội. Hơn thế nữa có thể nói các chính sách “kích cầu” đã không đạt được mục đích giúp tổng cầu tăng, thể hiện rõ qua việc tiêu dùng cuối cùng của người dân đã sụt giảm mạnh.
Tình hình kinh tế thế giới trong nửa sau năm 2009 chưa có gì sáng sủa nên khả năng cán cân thương mại của Việt Nam nếu có tiếp tục cải thiện cũng sẽ chủ yếu do nhập khẩu thu hẹp.
Đầu tư nước ngoài cũng chưa thể có đột biến, trong khi chính sách “kích đầu tư” của Chính phủ sẽ không thể kéo dài quá lâu. Vậy tiêu dùng cuối cùng của người dân, một thước đo quan trọng cho mức sống của đại đa số dân chúng, nhiều khả năng sẽ tiếp tục sụt giảm.