Tổng công ty thép Việt Nam vừa có quyết định tăng giá thép cuộn và thép cây tại khu vực phía Nam thêm 30.000 đồng đến 180.000 đồng một tấn. Theo đó, giá thép cuộn giao tại nhà máy chưa có thuế là 10,57-10,62 triệu đồng một tấn, thép cây giá 11,09-11,19 triệu đồng.
Trên thị trường, các cửa hàng lớn nhỏ cũng đua nhay thay bảng giá. Chủ cửa hàng An Phú, quận Bình Tân cho biết, đầu tháng 7, các loại cát đá và sắt tăng giá rất nhanh do phí vận chuyển lên cao. Hiện nay, một m3 đất đá tăng từ 101.000 đồng lên 105.000 đồng.
Đại diện doanh nghiệp tư nhân Đoàn Kim Oanh, quận Phú Nhuận, cho biết, các loại thép cuộn và thép cây (liên doanh Việt-Nhật) đều được doanh nghiệp điều chỉnh tăng bình quân tương ứng 400.000 đồng và 300.000 đồng một tấn. Cụ thể, thép phi 6 và phi 8 từ 11,3 triệu đồng một tấn tăng lên 11,7 triệu đồng. Thép phi 12 hiện tại giá 12,2 triệu đồng một tấn so với trước đó 11,9 triệu đồng một tấn. Tương tự, thép phi 14 tăng từ 11,6 triệu lên 11,9 triệu; phi 16 là 11,7-12 triệu, phi 18 là 12,2-12,5 triệu...
Tại các cửa hàng nhỏ, giá thép bán lẻ đến tay người mua tăng mạnh hơn so với doanh nghiệp lớn. Chị Nhung, chủ cửa hàng vật liệu ở quận 6 nói, một kg thép cuộn hiện nay cửa hàng chị bán ra tăng khoảng 700 đồng, còn thép cây vượt thêm 500 đồng. Chủ cửa hàng này cũng cho biết thêm, giá cả nguyên liệu có chiều hướng tăng cao khiến cho sức mua tại cửa hàng bị giảm khoảng 5%.
Theo chị Trúc, chủ cửa hàng tại quận 5, giá thép xây dựng bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng khoảng 900 đồng một kg so với cuối tháng 6. Hiện giá thép xây dựng phi 16 và phi 18 (liên doanh Việt-Nhật) tại cửa hàng chị bán ra dao động ở mức 15.500-16.500 đồng một kg. Còn đá trộn bê tông tăng thêm 20.000 đồng một m3, lên 130.000 đồng. Các loại VLXD khác tăng nhẹ 2-3%.
Chị Trúc cho rằng, giá thép bán lẻ tại cửa hàng cao như vậy là do phải lấy hàng qua nhiều đại lý. Cửa hàng chị vốn không chuyên về sắt thép, chỉ bán xen kẽ với các loại VLXD khác. Thêm vào đó phí vận chuyển cao nên giá bán lẻ từng kg đến tay người mua phải ở mức cao. Giá thép rẻ nhất hiện nay là thép H-VUC 9.900 đồng một kg, trước đây chỉ khoảng 9.200 đồng.
Chị Hương (quận Bình Tân) thở dài: “Trong tháng 6, vợ chồng tôi định, sơn sửa và lát lại toàn bộ gạch nền của căn nhà một trệt một lầu, thăm hỏi giá cả vật liệu đâu vào đấy ước tính số tiền dao động khoảng 40 triệu đồng". Thế nhưng gia đình chị cứ lu bu công việc, đến đầu tháng 7 mới bắt tay vào làm nhà được. Lúc này, bảng báo giá các loại vật liệu đều tăng lên 2-3 mức. Sửa xong căn nhà, tổng số tiền đã phát sinh thêm so dự kiến gần 50 triệu đồng.
Giá nguyên vật liệu trên đà leo thang khiến cho các công ty xây dựng cũng tỏ ra lo lắng và đau đầu không kém người dân. Ông Trần Quang Chính, Giám đốc công ty xây dựng Quang Chính chia sẻ: “Đây là thời điểm làm ăn gặp nhiều khó khăn, nhưng giá cả nguyên vật liệu lại đua nhau tăng càng thêm khó khăn hơn. Để giảm bớt rủi ro thiệt hại, công ty phải thuyết phục khách hàng ký hợp đồng theo từng giai đoạn hoặc hợp đồng mở, tức nhà đầu tư cùng chia sẻ khoảng chênh lệch với chúng tôi khi giá nguyên liệu tăng cao”.
Còn ông Lê Quang Tấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn cho biết: “Với tình hình giá cả vật liệu có xu hướng tăng cao như hiện nay, công ty đã phải tính toán và điều chỉnh lại toàn bộ các công trình đang thi công để hạn chế tối đa sự thua lỗ. Đồng thời, công ty cũng đang xem xét lại các dự án mới chứ không dám manh động".
Ông Tấn cũng lo ngại rằng, chi phí tăng cao không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành xây dựng mà ngay cả việc đầu tư cũng sẽ bị giảm sút, kéo theo đó là sự tác động không tốt đến thị trường bất động sản.
Theo ông Đinh Sơn Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, giá cả vật liệu xây dựng tăng là do chịu sự tác động của quá trình điều chỉnh giá điện, xăng dầu và phôi thép thế giới. Do đó, các loại vật liệu, đặc biệt thép tăng giá là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, "Tăng giá vật liệu tại thời điểm này thì chưa hợp lý, bởi sẽ khiến cho chính sách bình ổn giá của Chính phủ bị xáo trộn, đồng thời tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vừa mới được khôi phục", ông Hùng nói.
Ông Hùng kiến nghị, tạm thời Nhà nước nên bảo hộ mặt hàng vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép trong một thời gian bằng cách hỗ trợ các công ty sản xuất giảm bớt thua lỗ, ít nhất là hết năm 2009. Đến lúc đó nền kinh tế đã ổn định hơn, sự tăng giá của các mặt hàng vật liệu sẽ đỡ gây xáo trộn thị trường.