Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) trong buổi làm việc với Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước về việc đơn vị này sẽ cắt điện từ ngày 25 đến 28/7 để phục vụ việc thi công tuyến đường dây 220kV Nhơn Trạch - Nhà Bè ngày 15/7.
Cắt điện là phương án “tối ưu” Theo giải thích của ông Phạm Hồng Tiến, nhân viên Điện lực Hiệp Phước (HPPC), căn cứ theo những ý kiến của khách hàng, HPPC đã làm việc với Ban Quản lý dự án Các công trình điện Miền Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Mục đích chủ yếu của EVN là các bên tìm ra các biện pháp thi công có thể rút ngắn nhất số ngày cắt điện. Hiện số ngày cắt điện tại KCN Hiệp Phước chỉ còn 3,5 ngày, nhưng thực tế thì các đơn vị chỉ mất điện khoảng 50 tiếng đồng hồ. HPPC đã có 4 phương án cho việc này, tuy nhiên phương án cuối cùng vẫn phải cắt điện vì được coi là khả thi nhất. “Để đảm bảo an toàn, chúng tôi không có biện pháp nào tốt hơn”, Phó Tổng giám đốc HPPC Henry Lin, nói.
Không đồng tình với cách giải thích của HPPC, ông Nguyễn Xuân Hán, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước nói: “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ vì lợi ích quốc gia. Nhưng chúng tôi không đồng tình với cách giải thích của HPPC vì đường dây trong KCN Hiệp Phước hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới đường dây 110kV như HPPC giải thích".
Phó Tổng giám đốc Trung tâm cảng container Sài Gòn (SPCT) Nguyễn Ngọc Quỳnh bức xúc: “Đây là hiện tượng của sự độc quyền về cung cấp điện. Chúng tôi đầu tư vào đây nhưng không có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp điện, vì vậy giờ HPPC nói sao chả được. Nếu chúng tôi không sử dụng điện của HPPC thì sử dụng của ai bây giờ”.
Về phần mình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Phạm Quốc Bảo cũng thừa nhận, “rất khó có giải pháp nào để cung cấp điện cho KCN Hiệp Phước vì HPPC có hợp đồng đặc biệt, chúng tôi không được phép cung cấp. Chỉ có HPPC mới cung cấp được”.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh việc HPPC đã có biên bản thỏa thuận với họ trong việc cung cấp điện như: Giá điện áp dụng theo giá quy định của Việt Nam, cung cấp điện đúng tiến độ và yêu cầu sử dụng điện của khách hàng trong KCN, giá điện sẽ được chỉnh lại khi Nhà nước Việt Nam có quy định mới… Nhưng khi giá dầu thế giới tăng thì HPPC cũng điều chỉnh giá điện tăng thêm 25%.
Đến nay giá dầu đã giảm nhưng HPPC chưa thực hiện việc giảm giá điện. Thiệt hại cho doanh nghiệp Ông Hán cũng cho biết, không có điện sản xuất, thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp trong KCN sẽ rất lớn. Không chỉ là chuyện chậm đơn hàng, công nhân ngưng làm việc mà doanh nghiệp vẫn phải trả lương, không thể chạy máy cung cấp nước sạch cho doanh nghiệp… Tệ hại nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN đang nuôi cấy vi sinh cũng sẽ bị hỏng.
“Tôi cũng không thể đảm bảo rằng, nước thải từ các nhà máy thải ra ngoài đạt tiêu chuẩn môi trường. Vì sau 4 ngày không có điện sẽ dẫn tới không còn vi sinh nào sống sót. Không chỉ vậy, ô nhiễm môi trường còn dẫn tới nhiều chuyện khác tệ hại hơn”, ông Hán khuyến cáo. Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc SPCT Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng cho rằng, “đây là một vấn đề nghiêm trọng, không thể nào chấp nhận được”.
Bà Quỳnh giải thích, hiện SPCT đang trong giai đoạn hoàn thiện việc đổ bê tông cầu cảng, nếu không có điện sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công trình. Mặt khác, SPCT đang trong giai đoạn chạy thử phần mềm, nếu ngưng điện thì sẽ mất hết dữ liệu…
Việc HPPC cắt điện trong 4 ngày không chỉ ảnh hưởng tới cảng mà còn ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác. Không chỉ vậy, mỗi một ngày ngừng thi công là chúng tôi thiệt hại 80.000USD. Đó là chưa nói tới đây, ngày 25/7 chúng tôi có nhập 2 cần cẩu hạng nặng, không có điện thì khó đưa được mặt hàng này vào cảng và chi phí thiệt hại cho việc không nhập được này cũng mất khoảng 40.000USD/ngày.
“Việc ngưng điện trong 4 ngày sẽ làm thiệt hại cho SPCT khoảng 530.000USD. Số tiền này ai chịu trách nhiệm?”, bà Quỳnh bức xúc. Còn theo đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Hai Thanh, nếu cứ tính bình quân mỗi đơn vị đầu tư trong KCN Hiệp phước sẽ mất khoảng 100.000USD cho 4 ngày cúp điện, con số này nhân với 90 doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại đây thì tổng số tiền này lên tới 9 triệu USD.
Liệu HPPC có tính đến tổng thiệt hại của doanh nghiệp chưa? Về phần mình, Phó ban Quản lý Hepza Nguyễn Văn Phước đề nghị “HPPC xem còn phương án nào tối ưu hơn hay không. Nếu đó là trường hợp bất khả kháng thì những thiệt hại liên quan nên có sự thỏa thuận để chia sẻ với doanh nghiệp. Vì sự tồn tại của những doanh nghiệp này mới có sự tồn tại của HPPC”. Ông Phước cũng đề nghị HPPC sớm có báo cáo về giá điện, việc này nên kết thúc trong tháng 7.