7/23/2009 10:34:48 AM

Lựa chọn các giải pháp để ứng phó với những thách thức của thị trường xuất khẩu đang là vấn đề các DN đặc biệt quan tâm cho thời gian tới.

Một nghiên cứu của VCCI mới đây cho thấy, ở thời điểm hiện nay, các DN nên tiếp tục thúc đẩy hoạt động XK các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao tại các thị trường truyền thống gắn liền với việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường XK.

Không nên phụ thuộc vào một thị trường

Hàng hóa của các DN đã XK đến hơn 200 nước trên thế giới nhưng trên 80% giá trị hàng hóa tập trung tại Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... nên trước mắt theo VCCI, DN vẫn nên chú trọng và duy trì kim ngạch XK đối với các thị trường này. Nhưng để tránh phụ thuộc về lâu dài, các DN cần chủ động nghiên cứu, mở rộng đến các thị trường mới như: Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ...

Một số chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách chủ trương quay trở về "sân nhà" để giữ vững thị trường nội địa. Theo các chuyên gia giải pháp phát triển thị trường nội địa lẽ ra phải là giải pháp mà các DN phải làm từ lâu chứ không phải đến khi thị trường XK khó khăn mới quay về.

Giữ vững và củng cố các thị trường trọng đi

Theo các chuyên gia kinh tế, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản về lâu về dài vẫn là những thị trường tiềm năng nhất mà các DN VN nên duy trì và phát triển, đặc biệt là thị trường Mỹ, một trong những thị trường được xem là "rốn" XK hàng hóa của VN.

Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Diễn đàn Xuất khẩu và Phát triển thị trường VN nhận xét: Mỹ là một thị trường XK lớn nhất của VN trong năm 2009 cũng như các năm tới.

Do đó, DN cần tăng cường công tác tìm kiếm thị trường, nắm bắt và tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, tiếp xúc với các bạn hàng NK, các tổ chức bán buôn, bán lẻ để có hiểu biết kịp thời về bạn hàng và thị trường XK của mình.

Hiện Mỹ đã và đang chuẩn bị ban hành một số điều luật như: Đạo luật Farm Bill, Luật Lacey sẽ ảnh hưởng đến một số mặt hàng XK của VN như hàng thuỷ sản, đồ gỗ... Do đó, DN cần tiếp xúc nhiều hơn nữa với cơ quan tham vấn để hiểu rõ về những quy định mới.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Thoan - Tham tán Thương mại VN tại Hoa Kỳ cho rằng, XK của VN sang Mỹ thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng thoát khỏi khủng hoảng của kinh tế Mỹ, sự phục hồi tiêu dùng của người dân và đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật của Mỹ đối với hàng NK thị trường này (nhất là nhóm hàng XK trong điểm của VN).

Ông Thoan dự đoán: XK của VN vào Mỹ năm 2009 có thể đạt 13,2 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2008. Trong đó, hàng dệt may đạt 5,53 tỷ USD,  tăng 5%; hàng giày dép đạt 1,4 tỷ USD, tăng 16%; các mặt hàng thủ công, công nghiệp và một số mặt hàng tăng trưởng dương khác đạt 2,73 tỷ USD, tăng 16,5%.

Ông Vũ Đình Tân - Phó Giám đốc DN dệt may Minh Trí, một DN chuyên XK hàng dệt may vào thị trường Mỹ và các nước EU, Nhật Bản... cũng thừa nhận những thị trường trên vẫn là những thị trường chính và có lượng nhập khẩu rất lớn.

Bên cạnh việc tìm thị trường mới thì Cty vẫn duy trì và mở rộng XK sang những thị trường truyền thống này. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, lượng XK của Cty vẫn chủ yếu XK sang các nước trên và đến thời điểm này nhiều đơn hàng cho năm 2010 sang các nước này cũng đã được Cty ký kết.

Theo báo cáo sơ bộ về XNK 6 tháng đầu năm của Bộ KH-ĐT, thị trường XK lớn nhất của VN 6 tháng đầu năm vẫn là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia.

Đây cũng là 4 thị trường có kim ngạch XK 6 tháng qua đạt 1 tỷ USD (nếu không kể Thuỵ Sĩ- thị trường chủ yếu NK vàng của VN những tháng gần đây). Trong số 4 thị trường hàng đầu này thì chỉ có Mỹ là nước có xu hướng tăng NK hàng VN. Xu hướng tăng này thể hiện ở việc tiếp tục tăng trưởng dương và những mặt hàng đáng kể gồm: dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện máy tính.

Thị trường XK lớn nhất của VN 6 tháng đầu năm vẫn là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia.

Vietstock  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.