Chứng khoán: Ngóng sang thị trường Mỹ
Theo CEO Hoang D. Quan, các nhà đầu tư chứng khoán nên chờ đợi thêm vài tháng nữa để chắc chắn rằng mình nên đầu tư hay chưa và đầu tư bao nhiêu.
Hiện nay, các quỹ đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đang ngóng sang thị trường chứng khoán của Mỹ để dự đoán tình hình. Tuy nhiên, thông tin từ những tháng vừa rồi vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khả quan thực sự. Các số liệu về thất nghiệp, số lượng khách hàng mua bán, xây dựng thêm nhà mới và một số thông tin chủ chốt khác vẫn… đuối.
Tại sao phải ngóng sang Mỹ để dự đoán thị trường trong nước? Ông Hoàng cho rằng, thị trường Mỹ là cái rốn của “công xưởng Châu Á”, trong đó có Việt Nam. Thị trường này chưa “sáng lên” thì sức hút hàng hóa cũng chưa tiến triển, điều đó có nghĩa rằng, sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu cho thị trường lớn nhất này vẫn còn xa. Điều này tác động rất lớn đến các thị trường chứng khoán Châu Á và Việt Nam.
Mặc dù còn phải chờ đợi những tín hiệu sáng sủa hơn nhưng theo CEO Hoàng, nghề kinh doanh chứng khoán đang thực sự tốt lên ở Việt Nam. Tất cả mới chỉ là bắt đầu và sự phát triển của nước ta ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường chứng khoán. Không nên chỉ vì những “cú trượt ngã” của một số nhà đầu tư nghiệp dư mà nhìn tình hình xấu đi – ông Hoàng phân tích – đó chỉ là chuyện bình thường của một lĩnh vực kinh doanh còn nhiều mới mẻ.
Bất động sản cao cấp: Ngủ yên đến 2011
Đó là thông tin không mấy lạc quan đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cao cấp mà CEO David Đức thuộc tập đoàn Đại Việt Diên Đức chia sẻ. Theo ông Đức, phân mảng bất động sản cao cấp phụ thuộc rất chặt vào khách nước ngoài mà hầu hết các nước này còn đang chìm trong khó khăn.
“Chúng tôi nắm rất rõ số lượng khách hàng trong lĩnh vực này vào Việt Nam bao nhiêu, sẽ vào trong khoảng thời gian nào, vào với mục đích thế nào và tiềm lực đầu tư ra sao. Và tương tự như thế, chúng tôi đang nắm rất chắc chắn những dự báo về sự phục hồi của các nền kinh tế thế giới. Tất cả phải sau năm 2011 mới gượng dậy được. Bất động sản cũng thế” – CEO David Đức nhận định.
Đối với thông tin về những cơn sốt hàng hóa bất động sản cao cấp mấy tháng qua, ông Đức cho rằng đó chỉ là sốt ảo. Có chuyện mua bán chung cư, văn phòng cao cấp và trong khả năng tung tin gây sốt, có vài nơi đã sốt cục bộ.
Thực tế, các giao dịch này chỉ là mua vào rồi để đấy đối với những người không biết dùng tiền làm gì. Đối với những người muốn bất động sản phải sinh lời qua cho thuê thì lượng khách đã giảm tới 50%.
Hiện tại, các tập đoàn kinh doanh bất động sản cao cấp đang sống nhờ vào số khách hàng dài hạn của mình. Sự ảnh hưởng của tình hình kinh tế còn tác động chung lên toàn bộ thị trường bất động sản chứ không chỉ phân mảng cao cấp.
Ở phân mảng cao cấp, chi phí cho một thương vụ mua vào lên tới nhiều triệu USD cho nên đòi hỏi sau đó phải cho thuê lại ngay để sinh lời. Đối với phân mảng cấp thấp, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều lần, nhà đầu tư vẫn có thể ôm hàng nếu tính trong dài hạn.
Vàng: Chịu khó thức đêm
Giám đốc công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu khuyên các nhà đầu tư vàng nên thức khuya. Lý do, giá vàng trong nước phụ thuộc vào nhịp lên xuống của thị trường quốc tế. Tuy nhiên thông tin về sự lên xuống ở thị trường Châu Âu và Mỹ thay đổi mạnh nhất vào những giao dịch ban ngày, trong khi đó, do lệch giờ, ở Việt Nam đã là buổi tối.
Thông thường, vào giờ này, nhiều nhà đầu tư trong nước đã nghỉ ngơi, không còn theo dõi giá, chỉ đến sáng hôm sau, khi được thông báo giá đã tăng hay giảm thì đã quá muộn.
Mặc dù, CEO Vũ Minh Châu đánh giá chung tình hình kinh doanh vàng những năm gần đây là khó khăn nhưng ông cũng khẳng định nếu biết bám giá và tiên đoán được nhịp đồ thị hình sin của giá vàng thế giới, các nhà đầu tư vẫn kiếm tiền được từng ngày.
Một phân mảng khác của thị trường vàng là vàng trang sức được đánh giá có nhiều tiềm năng bởi lợi nhuận của nó đem lại chủ yếu là lợi nhuận gia tăng.