8/6/2009 10:34:11 AM

Hàng xuất khẩu của VN đi thị trường các nước ngày một khó hơn do vướng các rào cản kỹ thuật được nhiều nước dựng lên. Chủ động để vượt rào cản là cách nhiều hiệp hội ngành hàng đang làm nhằm tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Tình trạng trên xảy ra khá phổ biến ở các thị trường lớn như EU, Mỹ... và nhắm đến nhiều nhóm mặt hàng.

Ra ngõ gặp rào cản

Đi kèm với lô hàng trên 2 triệu sản phẩm thớt vừa xuất sang Đức của Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP.HCM) là bản cam kết của nhà sản xuất không sử dụng các loại hóa chất độc hại theo tiêu chuẩn REACH. Đây là quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất, gồm các nội dung đăng ký, xem xét, cấp phép và hạn chế với hóa chất.

Ông Nguyễn Anh Ngân - trưởng phòng xuất khẩu Công ty Đức Thành - cho biết theo yêu cầu của đối tác, công ty phải đăng ký hoặc cam kết các loại hóa chất trong nguyên liệu sử dụng là gỗ, vecni, sơn, keo... có độc hại hay không, cũng như tỉ lệ/nồng độ các loại hóa chất này được phép là bao nhiêu để đối tác đăng ký với cơ quan quản lý tại nước sở tại nhằm dễ kiểm soát. “Nếu doanh nghiệp (DN) không cung cấp, hàng xuất qua có thể bị trả về hoặc bị phạt nặng lúc đó lại càng phiền hơn” - ông Ngân giải thích.

Các DN xuất khẩu thủy sản cũng đang gặp khó bởi Luật IUU (Illegal, unreported and unregulated fishing - những quy định về hạn chế các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp không có báo cáo và không theo quy định), được EU áp dụng từ ngày 1-1-2010. Theo đó, tất cả lô hàng hải sản khai thác phải có chứng nhận tên tàu khai thác, vùng biển khai thác..., nếu thiếu sẽ không được phép xuất vào EU. Đây là yêu cầu khó đáp ứng được trong thời gian còn lại của năm 2009 khi EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của VN.

Phức tạp và tinh vi hơn

Theo báo cáo ngày 12-6-2009 của Ủy ban châu Âu, các biện pháp hạn chế thương mại tiếp tục được áp dụng nhiều hơn, kể cả tại một số nước thành viên G20. Bản báo cáo này cho thấy các biện pháp được các quốc gia sử dụng để hạn chế thương mại đang trở nên phức tạp hơn. Mặc dù hầu hết những biện pháp này nhằm phục hồi kinh tế và xúc tiến thương mại, nhưng một số biện pháp có thể dẫn đến những hạn chế thương mại tinh vi hơn.

Theo bà Cao Thị Kim Lan - giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, ảnh hưởng nhiều nhất của quy định này là ngành đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ, vì nếu thu mua sản phẩm không có chứng nhận khai thác sẽ không được chấp nhận ở châu Âu. Các nhà chế biến cá ngừ phải cung cấp một giấy chứng nhận khai thác ghi chi tiết nơi sản phẩm được đánh bắt, khối lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm. Chính sách này có thể trở thành một hàng rào phi thuế quan đối với thủy sản VN vì ngành đánh bắt hải sản của VN có quy mô nhỏ lẻ, trình độ của nhiều ngư dân còn hạn chế.

Mặt hàng trái cây cũng “có chuyện”. Giám đốc một DN xuất khẩu trái cây tại TP.HCM cho hay Chính phủ Indonesia vừa ra một quy định mới áp dụng từ ngày 18-8-2009 yêu cầu các nhà xuất khẩu trái cây, rau quả sang Indonesia phải có giấy chứng nhận phân tích an toàn vệ sinh thực phẩm (CoA) do cơ quan kiểm dịch cấp. Hiện các đơn vị xuất khẩu rau quả sang Indonesia khá hoang mang trước thông tin này vì không biết cơ quan nào của VN sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng và cấp giấy chứng nhận này.

Chủ động chấp nhận “luật chơi”

Ông Nguyễn Văn Thông, viện trưởng Viện Nghiên cứu dệt may, cho biết sức ép của các rào cản kỹ thuật tăng khi ngành dệt may nâng cao được tỉ lệ vải cung cấp cho may xuất khẩu. Chẳng hạn, mới đây Mỹ đã ban hành đạo luật cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA) có hiệu lực từ 10-2-2010 áp dụng đối với ngành dệt may, trong đó danh mục các sản phẩm bị hạn chế nhập khẩu ngày một dài ra. “DN phải nắm rất kỹ và phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu vẫn muốn tiếp tục xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này” - ông Nguyễn Khánh Đức, giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Đức Anh (TP.HCM), nói.

Trở ngại lớn nhất hiện nay, theo ông Thông, việc DN tuân thủ các quy định mới phần lớn bị động theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nguyên nhân chính là do chưa có đầu mối quản lý một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu mang tính quy chuẩn tại các thị trường nhập khẩu. Chẳng hạn liên quan tới gần 200 hóa chất bị cấm nhập lẫn sử dụng trong ngành dệt may và da giày, việc thực hiện đăng ký hóa chất đang gây lúng túng rất lớn cho các DN do việc tìm hiểu các quy định và thủ tục cụ thể rất khó bởi các DN không biết cách xác định hóa chất trong sản phẩm của mình như thế nào mới đúng.

Ông Digby Gascoine, chuyên gia quốc tế của dự án hỗ trợ thương mại đa biên MUTRAP (Bộ Công thương), xác nhận các hàng rào thương mại do EU áp dụng phần lớn đều hết sức ngặt nghèo, “nhưng các nước xuất khẩu buộc phải chấp nhận để tiếp cận thị trường này”. Chính vì vậy, nói như ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, các quy định của EU áp dụng cho toàn thế giới chứ không riêng gì VN, nên vấn đề của chúng ta là cần phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và kinh doanh theo yêu cầu của họ chứ không còn cách nào khác.

TT  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.