Giá thu đổi đôla tại khu vực Hà Nội sáng nay phổ biến quanh ngưỡng 18.350 - 18.380 đồng (mua vào - bán ra), đồng loạt giảm 10 đồng so với chiều qua. Thị trường tự do có xu hướng rời xa dần ngưỡng 18.400-18.500 đồng thiết lập cách đây nửa tháng.
Ngân hàng cũng không còn niêm yết kịch trần như trước. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay là 16.967 đồng, song các ngân hàng chỉ niêm yết ở mức 17.815 đồng. Theo quy định hiện nay, các ngân hàng được phép ấn định tỷ giá chênh 5% so với tỷ giá liên ngân hàng.
Diễn biến tỷ giá tuần này hạ nhiệt được giải thích là do tác động của những đợt tăng cường bơm ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán cho các ngân hàng có trạng thái ngoại hối âm. Rơi vào trạng thái ngoại hối âm phần lớn là các ngân hàng đã bán ngoại tệ cho khách hàng cũng như đến hạn phải thanh toán. Phần lớn các doanh nghiệp được ngân hàng đáp ứng ngoại tệ đều nằm trong danh mục ưu tiên như nhập khẩu xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh...
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, cơn sốt ngoại tệ sẽ tiếp tục bùng lên nếu thiếu các giải pháp đồng bộ. Tâm lý găm giữ ngoại tệ vẫn rất lớn, doanh nghiệp có nguồn thu không chịu bán lại cho ngân hàng. Ngân hàng thương mại dường như chỉ còn trông chờ vào nguồn cung ứng từ Ngân hàng Nhà nước để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu thiết yếu. Cứ mỗi đợt Ngân hàng Nhà nước bơm vốn ra, tỷ giá giảm nhẹ nhưng sẽ tăng trở lại ngay sau đó nếu cung không thấm vào đâu so với cầu.
Tại một ngân hàng quốc doanh quy mô lớn, doanh số mua bán ngoại tệ hằng ngày giảm 40% so với trước. Các ngân hàng quốc doanh khác mỗi ngày cũng chỉ thu mua được vài triệu đôla. Ngân hàng lâm vào cảnh nếu tuân theo quy định, chỉ mua vào với giá trong biên độ, sẽ chẳng ai bán cho. Nhưng nếu mua giá cao, lại lo bị thổi còi vì vượt trần cho phép. Và nếu đã mua giá cao, lại phải tìm mọi cách lách luật để bán với giá cao.
Không niêm yết tỷ giá sát trần, song các ngân hàng vẫn áp dụng một mức giá chung cho cả ba loại giao dịch mua vào, bán ra và chuyển khoản. Và thực tế, tại một số ngân hàng thương mại, chuyện lách luật để bán đôla với giá cao hơn niêm yết vẫn xảy ra.
Một số ngân hàng quốc doanh lại cho rằng bất ổn cung cầu hiện nay chủ yếu do tâm lý, cán cân thanh toán của Việt Nam từ nay đến cuối năm không tệ hơn dự báo, thậm chí còn tốt hơn. Thâm hụt thương mại cho cả năm 2009 được dự báo sẽ khống chế dưới 10 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể đạt trên dưới 5 tỷ USD. Kiều hối cũng có khả năng đạt được kết quả tương tự. Cùng với nguồn dự trữ trên 20 tỷ USD, cán cân thanh toán vẫn khá khả quan.
Vì vậy, cần quyết liệt ngăn tình trạng mua bán đôla vượt trần ở các ngân hàng thương mại. Về phía cơ quan quản lý, cần có thông điệp rõ ràng và đáng tin cậy với thị trường về sự ổn định tỷ giá từ nay tới cuối năm, thể hiện sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mỗi khi ngân hàng thương mại cần đôla. Thậm chí, có thể nghĩ tới giải pháp kết hối, buộc doanh nghiệp bán lại một phần ngoại tệ mình có được cho ngân hàng.
Tuy nhiên, giải pháp kết hối không được nhiều ý kiến đồng thuận và có thể vi phạm các cam kết quốc tế về đảm bảo quyền của doanh nghiệp. Vài người nghĩ rằng, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính, biên độ tỷ giá cần được đẩy cao hơn mức 5% hiện nay nhằm phản ánh sát hơn sức mua của đồng Việt Nam và tháo gỡ nút thắt trên thị trường ngoại tệ.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định tỷ giá như hiện nay là hợp lý khi lạm phát được kiểm soát và đồng USD đang có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế. Theo ông, việc điều chỉnh giảm giá Việt Nam đồng sẽ tác động bất lợi, bởi chưa chắc giúp giảm nhập siêu mà lại tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài của Việt Nam.