Thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm và đạt giá trị gần 2 tỷ USD vào năm 2013 theo dự đoán của hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International Ltd (BMI) của Anh Quốc.
Theo báo cáo của BMI, năm 2008 Việt Nam đã chi khoảng 1,1 tỷ USD cho dược phẩm. Trong năm 2009, con số này sẽ tăng lên khoảng 1,2 tỷ USD do chi phí mua thuốc để phòng chống các dịch bệnh tăng lên.
Vào năm 2013, chi phí này sẽ tăng lên khoảng 1,7 tỷ USD. Giá trị thị trường thuốc kê đơn ước đạt 1,45 tỷ USD vào năm 2013, chiếm khoảng 73,2% thị trường dược phẩm; thuốc không kê đơn sẽ đạt khoảng 529 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 26,8%.
Hiện nay, năng lực của ngành dược trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu, phần còn lại chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Vào năm 2013, kim ngạch nhập khẩu thuốc sẽ vượt 1,37 tỷ USD so với con số 923 triệu USD trong năm 2008. Trong khi đó, xuất khẩu dược phẩm chỉ đạt 216 triệu USD. Hiện nay, doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam đang xuất khẩu thuốc sang một số thị trường như Bangladesh, Pakistan, Lào và Campuchia.
BMI dự báo, trong 5 năm tới thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ là mảnh đất giàu tiềm năng cho các công ty nước ngoài do thị trường bắt đầu mở cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp này.
Theo cam kết của WTO, các công ty dược phẩm nước ngoài có quyền mở chi nhánh tại Việt Nam và được tham gia nhập khẩu trực tiếp dược phẩm, mặc dù chưa được quyền phân phối. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ phải giảm thuế cho sản phẩm y tế là 5% và 2,5% cho thuốc nhập khẩu trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO.
Hiện các công ty dược nước ngoài đã vào Việt Nam chủ yếu thông qua hình thức liên doanh như Sanofi Việt Nam là liên doanh giữa Công ty sản xuất Dược phẩm Trung ương và Sanofi - Synthélabo của Pháp, Công ty Vinaspecia là liên doanh giữa Rhone - Poulenc (Pháp) với Công ty xuất nhập khẩu Y tế (Việt Nam), Stada Việt Nam là liên doanh giữa German Stada (Đức) và Công ty Dược phẩm Khương Duy…
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương: ước 6 tháng đầu năm 2009 trị giá nhập khẩu thuốc cả nước khoảng 597 triệu đô la Mỹ (trong đó có khoảng 508 triệu đô la thuốc thành phẩm và 89 triệu đô la nguyên liệu). Trong khi đó, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt khoảng 507,6 triệu đô la Mỹ.
Trao đổi với TBKTSG, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, sau khi gia nhập WTO thị trường dược đang mở rộng cửa cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực nhập khẩu và hậu cần (logistics). Trước đây các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực dược vào Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất thì nay có khoảng 70 - 80% doanh nghiệp FDI này chuyển dần sang lĩnh vực lưu thông phân phối dược phẩm.
“Hiện nay, rất nhiều công ty dược phẩm nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam thông qua việc hợp tác với công ty trong nước tham gia vào khâu nhập khẩu và dịch vụ hậu cần trong ngành dược”, ông Quang nói.
Cục Quản lý Dược cho hay, tính đến hết năm 2008, có 438 công ty sản xuất và cung ứng thuốc của nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam với hình thức phổ biến nhất là văn phòng đại diện và chủ yếu tham gia vào khâu nhập khẩu thuốc, chiếm tỷ lệ đến 70%. Trong khi đó, chỉ có 1/5 tổng số thuốc đang lưu hành tại Việt Nam được sản xuất bởi các công ty này.