Tuy nhiên,chiều ngày 10/8, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của các doanh nghiệp trong hiệp hội về việc xin tăng giá cước, đồng thời ông Hùng cũng cho rằng, lần này các doanh nghiệp vận tải sẽ không tăng giá cước.
Ông Hùng lý giải, “tính từ tháng 4 đến nay, đây là lần thứ 6 giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng lên. Ở lần thứ 5 (đầu tháng 7), khi cả giá xăng và giá dầu đều tăng cao, những tưởng các doanh nghiệp vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh giá cước vì chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% tổng chi phí vận tải.
Lần đó, chúng tôi cũng dự kiến mức tăng giá cước ít nhất cũng phải từ 7-10%. Thế nhưng, sau khi điều chỉnh, cân nhắc, chỉ có một vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi là tăng giá, còn các doanh nghiệp khác đều án binh bất động. Thế nên, với mức tăng giá xăng 500đồng/lít như hôm 9/8 vừa rồi thì việc tăng giá cước vận tải sẽ khó xảy ra vì xe vận tải khách, hay một số loại xe khác chủ yếu chạy bằng dầu diesel”.
Đối với các hãng taxi, việc xăng tăng giá lần này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán thì chi phí sẽ đội lên thêm khoảng 2%. Song, với tình hình khó khăn như hiện nay, hoạt động taxi đang có phần trầm lắng, để thu hút khách hàng không ít hãng taxi đã chọn phương án ổn định giá cước, dù lợi nhuận có giảm đi.
Mặt khác, nếu xăng tăng 500 đồng/lít thì giá cước nếu có thay đổi cũng chẳng đáng là bao so với chi phí làm thủ tục áp dụng giá cước mới. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp taxi tăng giá cước cũng là khó xảy ra, ông Hùng nhấn mạnh.