Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, xu hướng trên thế giới hiện nay là thuế được áp trên giá trị nhà - đất, cách áp dụng như vậy là tiến bộ. Việc xác định căn cứ tính thuế theo giá trị đối với đất theo giá trị là phù hợp bởi có thể coi giá đất tính thuế là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.
Còn đối với giá nhà tính thuế, có thể thống nhất mức tính theo diện tích sàn sử dụng, loại nhà, cấp nhà và số năm đã sử dụng, không cần phải định giá cụ thể để tính thuế.
Hơn nữa, việc xác định giá trị nhà là một việc khá “nhạy cảm”, dễ dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện khi xác định tính thuế. Chẳng hạn nhà có giá trị 600 triệu đồng thì phải chịu thuế, còn nhà giá trị 599 triệu đồng lại không phải nộp thuế.
Bên cạnh đó, khung chung về 3 mức lũy tiến từng phần đối với thuế đất là phù hợp về nguyên tắc, nhưng cần đặt thêm một mức lũy tiến thứ tư đối với trường hợp có đất nhưng không đưa vào sử dụng với thuế suất khoảng 0,12%- 0,15% để giải tỏa tình trạng đầu cơ, tích trữ đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo không nên xem việc tăng thu cho ngân sách là một trong những tiêu chí quan trọng mà nên hướng tới làm sao để luật trở thành công cụ quan trọng chống đầu cơ nhà đất. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, mục tiêu hàng đầu của dự thảo là hạn chế đầu cơ.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa kiểm soát được tình trạng đầu cơ nhà đất cũng như đánh giá tác hại của nó gây ra, bởi không có một thống kê nào được thực hiện để xác định rõ việc đầu cơ như thế nào, số lượng ra sao...
Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, khi chưa xác định được thế nào là đầu cơ thì khó gán cho những mảnh đất chưa được đưa vào sử dụng là thuộc dạng đầu cơ. Bởi có những mảnh đất trên thực tế vần được sử dụng nhưng thực tế là đã được bán cho các nhà đầu cơ từ trước.