Bộ Lao động – thương binh và xã hội đang tính mức tăng lương tối thiểu cụ thể theo vùng áp dụng cho người lao động trong doanh nghiệp.
Trao đổi với ông Hoàng Minh Hào, phó vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương về phương án tăng này., ông Hào cho biết: Bộ Lao động – thương binh và xã hội đang xây dựng mức tăng đối với hai khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại bốn vùng để trình Chính phủ dự thảo nghị định điều chỉnh tiền lương tối thiểu đối với doanh nghiệp trong tháng 9 này.
Các doanh nghiệp sẽ thực hiện mức lương tối thiểu mới vào ngày 1/1/2010, sớm hơn năm tháng so với khu vực hành chính sự nghiệp.
Ông có thể cho biết những căn cứ nào để xác định mức lương tối thiểu mới cho các doanh nghiệp?
Mức lương tối thiểu mới được xác định, trước hết phải đảm bảo yếu tố đủ bù trượt giá cho người lao động, sau đó có tính đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự hài hoà giữa cung – cầu lao động trên thị trường lao động. Nếu lương tối thiểu tăng quá cao, sẽ ảnh hưởng tới tình trạng việc làm của người lao động, có thể gây ra thất nghiệp nhiều. Trong điều kiện nước ta, việc tính mức tăng như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng chi trả của ngân sách, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nếu đưa ra mức tăng mà doanh nghiệp khó thực hiện cũng không thể được.
Làm cách nào để xác định được khả năng chi trả của doanh nghiệp?
Từ đầu năm nay chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát, điều tra về tiền lương, tiền công thực hiện tại các doanh nghiệp ở ba miền và hiện nay đang xử lý số liệu. Căn cứ vào kết quả này, chúng tôi sẽ tính ra khả năng tăng như thế nào thì các doanh nghiệp có thể thực hiện được. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang khó khăn tính chỉ số giá sinh hoạt của từng vùng.
Có được các số liệu cụ thể, phương án tính sẽ xác thực hơn. Phải tính được chỉ số giá sinh hoạt thực tế của từng vùng tăng bao nhiêu thì tiền lương tăng theo danh nghĩa cho người lao động mức đảm bảo được sức mua trong thực tế.
Rất nhiều doanh nghiệp hiện đang khó khăn, tăng lương sẽ giống như một cú đấm mạnh với họ, thưa ông?
Ở thời điểm này, tống thêm bất kỳ cái gì vào chi phí cũng sẽ khiến doanh nghiệp kêu ca. Chúng tôi biết chuyện đó. Nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận để đảm bảo đời sống cho người lao động. Chúng tôi sẽ tính mức tăng như thế nào đó để doanh nghiệp chấp nhận được và phải tăng. Đã quy định thành pháp luật thì doanh nghiệp phải tăng cho người lao động.
Hiện tại mức tăng dự kiến đã được tính như thế nào?
Để đảm bảo lộ trình thống nhất tiền lương tối thiểu đã được phê duyệt, tới năm 2012 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có chung mức lương tối thiểu, chúng tôi sẽ phải thiết kế mức tăng đối với doanh nghiệp trong nước cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Dự kiến mức tăng với các doanh nghiệp trong nước khoảng 13 – 15%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 9 – 11%. Tuy nhiên đây chỉ là mức dự kiến. Chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp để hoàn chỉnh và có cơ sở xây dựng hai dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành.
Theo ông, mặt bằng lương trên thị trường thay đổi như thế nào sau khi tăng lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp vào ngày 1.1.2010?
Tôi nghĩ là mặt bằng lương trên thị trường sẽ tăng, nhưng mức tăng thế nào thì phải có điều tra mới khẳng định được. Rất nhiều doanh nghiệp hiện đang trả lương cho người lao động cao hơn nhiều so với lương tối thiểu nên việc tăng bao nhiêu không ảnh hưởng nhiều tới họ. Nhưng chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang bám vào lương tối thiểu để trả công cho người lao động thì việc tăng này có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng tiền công trên thị trường. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng lương, không tăng sẽ không có lao động.