|
|
Thách thức từ các dự án tỷ “đô” |
4/25/2009 11:40:00 AM
Chưa bao giờ, ngành du lịch lại đón nhận nhiều dự án đầu tư nước ngoài "đồ sộ" như trong 2 năm qua. Hoành tráng nhất là Dự án Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa - Vũng Tàu, do Công ty ACDL (Canada) đầu tư, với tổng vốn cam kết 4,23 tỷ USD. Mục tiêu của Dự án là xây dựng 9.000 phòng khách sạn 5 sao, 2 sòng bài, 1 sân golf và các công trình giải trí trên diện tích 160 ha tại huyện Xuyên Mộc. Dự kiến, khách sạn đầu tiên với 1.200 phòng và một sòng bài sẽ mở cửa vào năm 2010. Dự án có 5 khách sạn, với thời gian xây dựng 10 năm.
Trước Hồ Tràm Strip, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã cấp phép cho 2 dự án xây dựng khu du lịch do các công ty Hoa Kỳ đăng ký. Trong đó, Good Choices đăng ký đầu tư 1,3 tỷ USD cho Dự án Vũng Tàu Wonderpark, Winvest Investment xây dựng khu du lịch với 1.200 phòng khách sạn và sân golf tại Chí Linh - Cửa Lấp.
Đảo Phú Quốc đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư với những dự án quy mô lớn. Trong đó, Công ty Starbay Holding đã chính thức được phép đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng khu du lịch rộng 500 ha tại Bãi Trường, với 2.400 phòng khách sạn, 1.300 căn hộ, 650 biệt thự và sân golf. Thời gian xây dựng của Dự án sẽ kéo dài 12 -15 năm.
Miền Trung cũng đang thu hút nhiều dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch. Tập đoàn Bayan Tree (Singapore) đã quyết định nâng vốn đầu tư từ 276 triệu USD lên 875 triệu USD để xây dựng một khu du lịch cao cấp tại Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), với 2.000 phòng khách sạn, 1.000 biệt thự, sân golf...
Tại Đà Nẵng, Tập đoàn Oaktree Asset Management cũng đã thuyết trình với Thành phố khả năng đầu tư 5 tỷ USD vào Khu du lịch Làng Vân. Cách đó không xa, Công ty Global C&D (Mỹ) đang xin chủ trương đầu tư 10 tỷ USD cho dự án khách sạn - sòng bài tại Quảng Nam... Nhưng quãng đường để các dự án lớn trở thành những khu du lịch sang trọng còn dài và còn không ít trở ngại. Khi đề xuất những dự án hàng tỷ USD, một số nhà đầu tư, như Global C&D và Oaktree Capital Management, hướng đến mục tiêu kinh doanh sòng bài - một lĩnh vực còn rất nhạy cảm tại Việt Nam và giấy phép cũng được xem xét một cách thận trọng.
Ông Phạm Ích Tống, Tổng giám đốc Global C&D cho biết, Công ty mới đang xin chủ trương lập Dự án Dragon Beach, chứ chưa xin giấy phép. Mục tiêu của Dự án là kinh doanh khách sạn - sòng bài, nhưng nếu không được phép kinh doanh trong lĩnh vực sòng bài thì khó có thể thuyết phục các nhà đầu tư khác bỏ vốn vào Dự án.
Tiền lệ cũng cho thấy, không ít dự án du lịch đồ sộ ở Việt Nam hầu như không thành hiện thực hoặc kinh doanh èo uột. Trong thập kỷ trước, Vũng Tàu Paradise là một trong những dự án lớn nhất được cấp phép trong ngành du lịch, với tổng vốn đầu tư 97 triệu USD. Mặc dù triển khai từ năm 1991, nhưng đến nay, hàng nghìn phòng khách sạn vẫn chỉ tồn tại trên giấy.
Dự án Đan Kia - Suối Vàng (diện tích 5.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng, được cấp phép từ năm 1997, tổng vốn đầu tư dự kiến 700 triệu USD), các nhà đầu tư nước ngoài đã rút lui khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Dự án South Fork của các nhà đầu tư Mỹ tại Phan Thiết, có diện tích 600 ha, được cấp phép từ năm 2004, nhưng đến nay, vẫn chưa triển khai.
Thường thì với các dự án đầu tư lớn, vốn đầu tư không phải do một công ty bỏ ra. Ông Michael Aymong, Chủ tịch Công ty ACDL cho biết, vốn đầu tư cho Dự án Hồ Tràm do Quỹ Harbinger Capital Fund đóng góp 25%, cổ đông Công ty góp 32%, còn lại là vốn của các nhà đầu tư khác. Tương tự, ông Phạm Ích Tống cũng cho biết, Global C&D chỉ góp một phần cho Dự án Dragon Beach...
Điều chắc chắn là, việc các cổ đông có đóng góp hàng trăm triệu USD vào các dự án du lịch tại Việt Nam hay không phụ thuộc vào triển vọng phát triển của ngành du lịch. Mặc dù khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đang tăng trưởng 2 con số và dự kiến đạt 6 - 6,5 triệu lượt khách vào năm 2010, nhưng ngành này đang đối mặt với không ít vấn đề, đặc biệt là sự yếu kém của cơ sở hạ tầng.
Trong Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra tại Sa Pa vừa qua, Nhóm công tác về du lịch đã than phiền nhiều về vấn đề thiếu các chuyến bay và tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém. Ví dụ, để một dự án có số vốn 1,6 tỷ USD của Starbay Holding hoạt động hiệu quả, Phú Quốc cần hàng chục chuyến bay mỗi ngày bằng máy bay lớn.
Vậy mà, hiện tại, Phú Quốc mới chỉ đón nhận 5 - 7 chuyến bay mỗi ngày bằng máy bay nhỏ. Thiếu chuyến bay, cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là tình trạng chung của miền Trung và Nha Trang.
Nhân lực cũng là một vấn đề làm đau đầu ngành du lịch. Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, trong thời gian tới, tình trạng thiếu hụt nhân lực sẽ rất trầm trọng, do đào tạo không theo kịp nhu cầu.
Tóm lại, nếu ngành du lịch không sớm khắc phục được những yếu kém nêu trên thì những dự án tỷ đô trong ngành này có nguy cơ vẫn chỉ nằm trên giấy. |
Báo Đầu Tư |
| |