9/28/2009 9:29:57 AM

Giá gạo xuất khẩu quyết định thu nhập của nông dân nên phải do nông dân đưa ra hoặc Chính phủ thay nông dân quyết định.

Tác giả bài viết này là một người làm lúa ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, từng là cán bộ nông nghiệp. Trong e-mail gửi một tờ báo, ông viết: “Tôi viết bài này không phải chỉ để phản ánh, mà còn để đòi quyền lợi chính đáng đã bị Hiệp hội Lương thực VN (VFA) lấy mất...”
 
Giá gạo xuất khẩu ảnh hưởng đến giá thu mua lúa trong nước. Giá thu mua lúa trong nước là thu nhập của nông dân. Như vậy, giá gạo xuất khẩu quyết định thu nhập của nông dân nên phải do nông dân đưa ra hoặc Chính phủ thay nông dân quyết định.
 
Biến chủ thành người phụ thuộc
 
Tuy nhiên, hiện nay, VFA được toàn quyền trong việc ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước. Cơ chế đó biến nông dân chúng tôi - chủ nhân thật sự của lúa gạo - thành những người phụ thuộc vào VFA, biến VFA - những công ty xuất khẩu gạo hoạt động vì lợi nhuận - từ vị trí phụ thuộc trở thành chủ thể của lúa gạo.
 
Điều phi lý nhất của cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay là VFA được giao định giá gạo xuất khẩu nhưng lợi nhuận của họ độc lập với giá gạo xuất khẩu. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu là thu nhập của nông dân nhưng nông dân không được quyền tham gia ý kiến. Trong hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay không hề có tiếng nói của họ, ngay cả trong tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ cũng không có đại diện của hội nông dân.
 
Trong vòng 5 năm, từ 2001-2005, VN tuy bán ra thị trường thế giới tổng cộng hơn 20 triệu tấn gạo, thu về gần 4,5 tỉ USD song giá của gạo chúng ta chỉ bằng gần 80% giá bình quân thế giới (220 USD/tấn). Đó là giá bán rẻ nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới (xét theo khối lượng) theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, VN, Mỹ và Pakistan.
 
Năm 2009, trong khi Thái Lan cố giữ giá gạo cao để bảo đảm quyền lợi cho nông dân trong nước, Ấn Độ không xuất khẩu do phải bảo đảm an ninh lương thực, gạo VN một mình một chợ nhưng vẫn bán với giá thấp (quanh ngưỡng 400 USD/tấn), rẻ hơn gạo Thái Lan khoảng 160 USD/tấn.
 
Có ý kiến cho rằng gạo Thái Lan có giá cao hơn do chất lượng cao hơn gạo VN. Vấn đề đặt ra là chất lượng thấp của gạo VN có tương ứng với giá trị thấp của gạo VN hay không, trong khi theo một số chuyên gia, gạo 5% tấm chỉ VN và Thái Lan có chất lượng ngang ngửa nhau.
 
Cơ chế ngược đời, nông dân lãnh đủ
 
Hãy nhìn sang hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhưng ổn định là Thái Lan và Ấn Độ. Nhờ có đủ kho nên Chính phủ mua gạo của nông dân tồn đọng thường xuyên vài ba triệu tấn từ năm trước, đến gần mùa thu hoạch của năm sau, họ mới bán gạo của năm trước, nếu giá thấp thì họ tiếp tục mua lúa của nông dân cất vào kho, đợi giá thích hợp mới bán nên không ai ép giá họ được.
 
Họ cũng chẳng cần dự báo sản lượng xuất khẩu gạo từng năm, chẳng cần giao hạn mức cho từng tỉnh, thành. VN thì ngược lại, do không có đủ kho nên ký hợp đồng bán gạo khi trong kho... chưa có gạo, nông dân thu hoạch lúa tới đâu thì giao gạo tới đấy; do thiếu kho chứa nên việc điều tiết xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn, vì vậy luôn bị khách hàng ép giá.
 
Lúa gạo Campuchia nhập lậu giá rẻ vào VN cũng là nguyên nhân làm cho giá gạo xuất khẩu và giá lúa trong nước giảm. Hai năm nay, lúa của nông dân chúng tôi ế ẩm, có lúc không có người mua, trong khi gạo lậu vẫn ùn ùn qua biên giới. Nhập lậu thì phải cấm, thế nhưng cách chống gạo nhập lậu của VN cũng thật “đặc biệt”, đó là biến việc nhập lậu thành nhập khẩu hợp pháp bằng cách thành lập liên doanh xuất khẩu gạo với Campuchia. Tại sao VFA lại lấy thị trường và khách hàng vốn đang thiếu của nông dân VN để san sẻ cho nước khác? VFA cứ làm chuyện ngược đời mà vẫn không sao, chỉ có nông dân là lãnh đủ.
 
Vẫn lỗ dù giá bán trên giá thành
 
VN vẫn giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá gạo VN quá thấp, người trồng lúa vẫn nghèo. Lý do không vì gạo Việt kém chất lượng mà bởi cơ chế điều hành xuất khẩu của VFA có quá nhiều bất cập.
 
Việc “tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân” cũng cần những giải thích rõ ràng. Tiêu thụ hết lúa hàng hóa nhưng với giá thấp nhất thế giới như hiện nay liệu có chấp nhận được không?
 
Việc ấn định mức lãi 30% cho nông dân cũng cần phải xem lại. Phải nói cho rõ mức lời đó là mức lời tối thiểu Chính phủ dành cho nông dân, hay là mức giá Chính phủ cho phép VFA làm căn cứ để quy định giá sàn xuất khẩu gạo và giá thu mua lúa cho nông dân.
 
Việc lỗ lãi của nông dân, ngoài yếu tố giá thành còn phụ thuộc vào năng suất, lãi 30% theo giá thành nhưng năng suất thấp thì nông dân vẫn lỗ. Ví dụ, vụ hè thu năm nay, đa số nông dân ở tỉnh Đồng Tháp sạ lúa thơm từ huề đến lỗ dù giá lúa trên giá thành 30%. Nếu mức lãi 30% là căn cứ để VFA quy định giá sàn gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa của nông dân thì chúng tôi không đồng tình. Bởi nếu như VFA chỉ cần xuất khẩu gạo với giá 400 USD/tấn thì đã có thể mua lúa cho nông dân lãi đến 40%, thế nhưng giá gạo thế giới đang ở mức 500 USD/tấn, vậy VFA sẽ xuất khẩu gạo theo giá nào, bán theo giá thị trường thế giới hay bán theo quy định lãi 30%?
 
Vì những lý do vừa nêu, theo tôi để giá gạo xuất khẩu có lợi cho nông dân, đề nghị nên sửa đổi nguyên tắc điều hành từ “bảo đảm an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lãi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước” thành “tiêu thụ hết lúa hàng hóa theo đúng giá thị trường thế giới cho nông dân”.
 
Cần điều hành trực tiếp của Chính phủ
 
Cơ chế xuất khẩu gạo hiện hành của VN có từ thời bao cấp, đã không còn phù hợp trong cơ chế thị trường. Chính cơ chế xuất khẩu gạo có quá nhiều yếu kém đã làm cho việc xuất khẩu gạo năm nào cũng lúng túng, thua thiệt. Đã đến lúc cần phải có một cơ chế xuất khẩu gạo mà Chính phủ trực tiếp điều hành và có đủ kho bãi chứa lúa. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt việc bán gạo rẻ nhất thế giới, nông dân chúng tôi mong chờ một cơ chế xuất khẩu gạo quan tâm đúng mức quyền lợi của những người quanh năm bán mặt cho đất - bán lưng cho trời.
Người lao động  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.