Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng điều quan trọng nhất trong trong giai đoạn hậu khủng hoảng là làm gì để giúp doanh nghiệp tránh bị phá sản, và trách nhiệm này không thuộc về ngân sách Nhà nước hay các gói kích cầu mà là của chính sách tiền tệ.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP của Việt Nam tăng dần đều, tính chung 3 quý đạt 4,6%?. Theo ông, đâu là động lực chính?
- Việc các chỉ số kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng khá trong bối cảnh thị trường quốc tế khó khăn chủ yếu do tác động của gói kích cầu của Chính phủ. Việc hỗ trợ lãi suất 4% cũng như chính sách giảm, giãn thuế đối với doanh nghiệp ít nhiều đã có tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa. GDP tăng chủ yếu do lực kéo này.
Mục đích chính của gói kích cầu là kích thích sức sản xuất - tiêu dùng. Tiêu dùng đã tăng, còn sản xuất thì sao, theo ông?
- Đây chính là vấn đề liên quan đến thực lực nền kinh tế cũng như tính bền vững của tăng trưởng. Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng thương mại (bán lẻ hàng hóa và dịch vụ) trong 9 táng đầu năm tăng 18,6%. Trong khi đó, giá trị sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chỉ lần lượt tăng 2,6% và 6,5%. Như vậy, sản xuất trong nước có thực sự được lợi hay không? Tôi nghĩ mỗi người đều tự có câu trả lời.
Hãy nhìn vào các sản phẩm được coi là quan trọng và có mức tăng cao lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Điều hòa nhiệt độ tăng 48,2%, tủ lạnh tủ đá tăng 30,9%...
Ngoài yếu tố mùa vụ (mùa hè), cần đặt câu hỏi giá trị sản xuất trong nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong thành phẩm trong khi phần lớn nguyên liệu, thiết bị đều được nhập khẩu?
Khai thác dầu thô tăng 17,6% hầu như không liên quan đến việc có kích cầu hay không còn thép tròn tăng 18,8%, xi măng tăng 18,3% là do hưởng lợi trực tiếp từ ngành xây dựng, vốn tăng trưởng mạnh do vốn kích cầu.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở lĩnh vực xây dựng, với tốc độ tăng trưởng 9,7% và là lực đẩy quan trọng đối với công nghiệp nói chung?
- Xây dựng tăng trưởng tốt, với một nền kinh tế, đương nhiên là điều đáng phấn khởi. Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào nhà ở giá thành từ 9 đến 10 triệu đồng mỗi m2, sản phẩm từ các dự án nhận được ưu đãi từ vốn kích cầu hiện nay lại có giá thành hàng chục triệu đồng một mét. Các công trình này là thương phẩm chứ chưa phục vụ nhiều cho nhu cầu thực của xã hội. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Doanh nghiệp xây dựng vay tiền ngân hàng, thực hiện nhiều dự án nhưng không bán được do giá cao hoặc bão hòa nhu cầu có thể dẫn tới hiện tượng bong bóng nhà đất tương tự như tại Nhật Bản vào những năm 1991-1992.
Hệ lụy của những cuộc khủng hoảng như vậy sẽ hết sức tồi tệ và lâu dài đối với nền kinh tế. Nên nhớ rằng chỉ số Nikkei của chứng khoán Nhật trước cuộc khủng hoảng năm đó ở mức 40.000 điểm. Vậy mà sau 18, 19 năm phục hồi hiện chỉ ở mức 10.000 điểm mà thôi.
Nhắc tới chứng khoán, ông có bình luận gì về đà tăng trưởng đang được nhận định là rất tốt của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng qua?
- Ai cũng nhận thấy là thị trường đang đi lên. Khối lượng giao dịch tăng đều chứng tỏ một lượng tiền lớn đã được đổ vào thị trường. Nhưng tiền đó ở đâu? Không phải nhà đầu tư nước ngoài vì họ vẫn đang bán ròng. Không phải nhà đầu tư cá nhân vì không đủ tiềm lực.
Tôi cũng chưa thấy quỹ tài chính nào trong nước đủ lớn để liên tục rót vốn như vậy. Theo tôi, rất có thể một lượng vốn kích cầu đã được doanh nghiệp tuồn vào chứng khoán, vào đầu tư tài chính. Như vậy sẽ rất nguy hiểm khi nhiều doanh nghiệp cùng đến hạn trả nợ ngân hàng. Chuyện bán tháo rất có thể sẽ xảy ra.
Vậy ông nghĩ sao về việc kích cầu cũng như khả năng về một gói kích cầu thứ 2 đang được Chính phủ cân nhắc?
- Nếu gói kích cầu thứ hai vẫn là việc Nhà nước đứng ra tiếp tục bù lãi suất cho doanh nghiệp, ở mức 4% hoặc ít hơn, tôi nghĩ đây là điều không nên bởi bản thân gói thứ nhất đã ẩn chứa nhiều sai lầm trong phương thức thực hiện và quản lý vốn. Tiếp tục dùng ngân sách để trả tiền lãi suất cho doanh nghiệp là không phù hợp và phần nào phản ánh tư duy bao cấp.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải nộp thuế cho Nhà nước chứ không thể mãi tiếp tục "vai trò ngược" như hiện nay. Hơn nữa kích cầu cũng giống việc "mồi nước" cho máy bơm hoạt động. Không thể cứ "mở nước đổ vào máy bơm" hết năm này qua năm khác.
Điều đáng nói ở đây là làm gì để giúp doanh nghiệp không bị phá sản, không phải chịu cú sốc về lãi suất. Nhưng đó không phải việc của gói kích cầu, của ngân sách, mà là của chính sách tiền tệ. Tư duy làm thế nào để doanh nghiệp có thể vay ở lãi suất phù hợp nhất, giả định là 6,5%, không chỉ có ở Việt Nam nhưng cách làm của thế giới khác chúng ta.
Ở nhiều nước, ngân hàng trung ương đã cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất rất thấp. Ở Nhật là 0%, Mỹ là 0,25% hay tại châu Âu là 0,1%... Như vậy, ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp.
Nếu ngân hàng trung ương không hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp vốn cho ngân hàng thương mại, các ngân hàng này sẽ phải huy động vốn từ trong dân với lãi suất cao, hiện có nơi đã lên tới hơn 9%. Đương nhiên, khi các doanh nghiệp vay lại nguồn vốn này từ ngân hàng, lãi suất sẽ bị cộng thêm vài phần trăm.
Đến ngày gói hỗ trợ lãi suất kết thúc, đang làm việc với mức lãi 6,5%, liệu có doanh nghiệp nào thích nghi nổi với con số 12, 13%. Không ai có thể làm việc với một chiếc "máy chém" rớt xuống đúng ngày như vây.
Vai trò của ngân hàng trung ương là điều tiết lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế nên cấp phương tiện tín dụng với bất kỳ lãi suất nào để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ngân hàng trung ương cũng có quyền phát hành tiền tệ và không phải đi huy động vốn hay trả lãi suất như ngân hàng thương mại, có thể đưa vào nền kinh tế lượng tiền như thế nào miễn sao không gây lạm phát. Điều này lại rất dễ xảy ra nếu tiếp tục thực hiện một gói kích cầu trị giá 20.000 tỷ.
Vậy theo ông, nếu không tiếp tục sử dụng gói kích cầu, giải pháp nào được coi là hợp lý trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay?
- Theo tôi, điều quan trọng nhất là chính sách tiền tệ. Chúng ta đang nói chuyện tiền tệ, chuyện lãi suất, chuyện chi phí đầu vào của doanh nghiệp qua lãi suất. Điều cần làm là thực hiện một chính sách tiền tệ ổn định, bền vững, nơi mà doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất an toàn cho doanh nghiệp, không gây ra lạm phát.
Ngân hàng trung ương nên theo dõi lưu lượng tiền tệ hàng ngày trong nền kinh tế để biết đâu là lượng tiền vừa đủ cần cung ứng cho doanh nghiệp: Không nhiều quá để doanh nghiệp đầu tư không đúng mục đích hay gây áp lực lạm phát. Không ít quá để khiến nền kinh tế phải "khát nước", để gây ra vấn đề thiểu phát.
Nói chung lại, tôi nghĩ các nhà quản lý nên nghiên cứu một chính sách tiền tệ phù hợp để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững trong đó ngân hàng trung ương giữ vai trò chủ đạo.