Theo ông Nguyễn Huy Đồng - Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, mục đích kiểm tra là xem việc xây dựng của dự án có đúng quy hoạch đã được phê duyệt và có tuân thủ trình tự thủ tục đầu tư xây dựng hay không.
“Các dự án chậm trễ có lý do chính đáng mới được gia hạn”, ông Mai Đức Chọn - Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Hải Dương, nói. Ông Chọn dẫn chứng: năm 2008, đồng won (Hàn Quốc) mất giá nặng nề, một vài nhà đầu tư Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh có đơn đề nghị ban quản lý cho họ lùi tiến độ nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ dự án do việc quy đổi từ đồng won sang đồng đô la Mỹ ở thời điểm đó có thể khiến dự án bị đội vốn đầu tư lên rất nhiều. Nhưng ông cho rằng những lý do có thể chấp nhận được như vậy từ phía các nhà đầu tư không nhiều.
Tại cuộc hội thảo về việc thu hút đầu tư vào các tỉnh phía Bắc cách đây vài tháng, GS.TS. Đàm Văn Nhuệ (trường Đại học kinh tế quốc dân) phân tích rằng, 18 năm qua chưa có một văn bản nào hướng dẫn về việc phát triển bền vững các KCN. Các địa phương, mạnh nơi nào nơi đó làm.
Việc tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài kéo theo “làn sóng” chào đón nhà đầu tư bằng mọi giá ở các địa phương, khiến cho giấy phép đầu tư được cấp quá dễ dãi, với mục tiêu hàng đầu là “lấp đầy” các KCN. Hoặc nhiều địa phương, cứ thấy nhà đầu tư nước ngoài là trải thảm đỏ, xem vốn đăng ký cao là được chấp thuận. Vì vậy nên mới có tình trạng lấy đất nông nghiệp làm sân golf khá dễ dãi, nay lại phải thu hồi.
Một vài số liệu chưa đầy đủ cho thấy ở Bắc Ninh có 46 dự án bị rút giấy phép (cộng dồn từ năm 2007 đến nay), 22 dự án ở Tây Ninh, 29 dự án ở Lâm Đồng, 12 dự án ở Ninh Thuận, 12 dự án ở Phú Quốc (Kiên Giang), 23 dự án ở Dung Quất (Quảng Ngãi)…
Một lãnh đạo của Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng bên cạnh mặt tích cực trong việc phân cấp cấp phép đầu tư cho các địa phương là nhằm tăng tính tự chủ, năng động của từng địa phương, mặt trái của nó cũng đã bộc lộ - đó là các địa phương “đua nhau” cấp phép rồi rút giấy phép đầu tư.
Ông Mai Đức Chọn nói rằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư nay đã thông thoáng hơn, mục đích là để các nhà đầu tư nâng cao năng lực tự chịu trách nhiệm về dự án của mình. Ví dụ như hiện tại, địa phương không phải thẩm định nguồn vốn thực hiện dự án như trước nữa.
“Kể cả nhà đầu tư sử dụng 100% vốn vay mà đáp ứng được các điều kiện cấp phép cơ bản khác, phù hợp với kinh tế - xã hội địa phương thì chúng tôi vẫn chấp thuận”, ông Chọn cho hay.
Việc không phải thẩm định nguồn vốn thực hiện dự án là một sự cải cách đáng kể nhưng lãnh đạo Sở KH&ĐT một số tỉnh phía Bắc nói rằng lúc trước yêu cầu phải thẩm định họ còn không thể thẩm định đầy đủ và chính xác được. Nay không cần thẩm định thì các địa phương có thể lúng túng trước các dự án đăng ký hàng trăm triệu đến hàng tỉ đô la vốn và đi kèm theo đó là áp lực hậu kiểm.
Dù thủ tục đầu tư đã thông thoáng hơn, nhưng nhiều địa phương cho biết họ đang phải chịu áp lực khác trong việc tiền kiểm các dự án khi mà mức độ phức tạp về công nghệ, tính chất của dự án ngày càng tăng, trong khi nhân lực của các ban quản lý lại thiếu, yếu. Do vậy, phải chăng việc phân cấp cũng có mâu thuẫn cần được giải quyết?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tăng sự thông thoáng về thủ tục đầu tư đồng thời cũng tăng những dự án đạt hiệu quả, trong thực tế không hề mâu thuẫn nhau nếu làm đúng từ đầu và nếu các địa phương nâng cao năng lực thẩm định dự án.
Việc các tỉnh cấp giấy phép tràn lan thời gian trước do thiếu quy hoạch hoặc việc thực thi quy hoạch (nếu đã có) chưa nghiêm. Ví như quy hoạch ngành thép phải đi đôi với quy hoạch cảng, phải tuân thủ quy hoạch ngành từ trung ương chứ không phải tỉnh nào cũng cấp phép đầu tư các dự án thép, dù không đủ điều kiện tiếp nhận dự án.
Việc Bộ Công Thương mới đây phải đặt ra bốn tiêu chí cho việc cấp phép dự án thép và yêu cầu các địa phương tuân thủ là một ví dụ. Làm được như vậy, vừa thuận tiện cho địa phương, vừa thuận tiện cho nhà đầu tư không phải vừa làm vừa ngóng.