Có chuyên gia đã dự đoán ngưỡng kháng cự là 1.067 USD/ounce, thậm chí có thể vượt qua mốc 1.100 USD/ounce. Như vậy, nếu trước đây 100 USD mua được 2 chỉ vàng, thì nay để mua 2 chỉ vàng phải bỏ ra khoảng 255 USD.
Sự nổi sóng lớn này của giá vàng trên thế giới do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất, trực tiếp nhất làm cho giá vàng thế giới tăng cao là do giá USD bị giảm so với nhiều đồng tiền trên thế giới.
Giá vàng tăng không chỉ do giá USD giảm theo nghĩa giá vàng được tính bằng USD, mà còn do lo ngại lạm phát, nên việc lựa chọn đầu tư đã nghiêng về vàng để bảo toàn vốn, bảo toàn dự trữ ngoại hối của các quỹ đầu tư, đặc biệt là dự trữ ngoại hối lớn. Có thông tin, tổng số USD hiện có ở ngoài nước Mỹ lên đến trên 6000 tỷ USD.
Khi giá USD giảm thì tất yếu sẽ dẫn đến động thái đưa USD ra để mua vàng vào dự trữ thay. Lượng vàng mà Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới (SPDR GoldTrust) nắm giữ hiện đã ở mức trên 1.100 tấn. Từ tháng 10 đến cuối năm là dịp Lễ Giáng sinh, Lễ hội Diwali của Ấn Độ, mùa cưới hỏi ở châu Á,… nên nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh hơn so với các tháng khác trong năm. Trong lúc đó, có thông tin (tuy các bên liên quan bác bỏ) các nước Arab bàn với Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản,… về việc thanh toán mua bán dầu sẽ chuyển từ đồng USD sang rổ tiền tệ khác không có USD.
Sự nổi sóng lớn của giá vàng trên thế giới tác động đến giá vàng trong nước ở nhiều điểm.
Về giá, giá vàng trong nước chạy chậm hơn giá vàng thế giới, nhưng tính đến chiều ngày 8/10 đã vượt qua mốc 23 triệu đồng/lượng- đạt 23,090 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước tới nay!
Tính theo tỷ giá thị trường tự do, giá vàng trong nước vẫn còn thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 40.000 đồng/chỉ. Như vậy, giá vàng trong nước vẫn còn trong xu thế tăng lên theo giá vàng thế giới. Các nhà kinh doanh vàng sẽ giãn rộng khoảng cách giữa mua và bán, không chỉ 8.000 – 10.000 đồng. mà tăng lên 12.000 – 13.000 đồng/chỉ, thậm chí còn cao hơn.
Nếu mấy ngày trước khi giá vàng tăng lên mạnh, người bán (do mua được giá thấp hơn trước đây) nhiều hơn nhiều mua (do giá đã quá cao), nhưng nay người bán cũng hãm lại (do thấy giá còn có xu hướng cao lên, sợ sẽ bán hớ hoặc không còn nhiều để bán), còn người mua cũng không dám mua (do giá đã quá cao, có thể còn do sợ giá vàng đảo chiều) mặc dù xét trong thời gian dài từ năm 2001 đến nay thì “vàng bỏ ống” cũng có lãi so với nhiều kênh đầu tư khác.
Tốc độ tăng giá tháng 9/2009 so với tháng 12/2000 (%)
|
Ghi chú: USD nếu tính thêm lãi suất nếu gửi ngân hàng thì tăng khoảng 62%.
|
Như vậy, giá vàng tăng khá cao, tốc độ tăng có chăng chỉ thấp thua tốc độ tăng giá bất động sản. VN-Index so tháng 9/2009 với tháng 12/2000 thì như vậy, nhưng so với tháng 7/2000 thì tăng 480,9%, cao nhất trong các kênh (như đỉnh điểm 1170,7 vào 12/3/2007 so với mức đáy 130,9 điểm vào 24/10/2003, hoặc hiện nay so với mức đáy 235,5 điểm vào ngày 24/2/2009), đặc biệt VN-Index đang có xu hướng tăng lên.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Nghiên cứu – Phân tích (Công ty cổ phần Kinh doanh đầu tư tài chính vàng thế giới - VTG), khả năng giá vàng điều chỉnh trong ngắn hạn là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu giá vàng tăng quá nóng, vượt ra khỏi các yếu tố hỗ trợ thông thường, thì khi đảo chiều, mức điều chỉnh là không nhỏ.
Trước việc biến động mạnh của giá vàng thời gian gần đây, ông Phan Dũng Khánh khuyến cáo các nhà đầu tư nhỏ lẻ kinh doanh vàng rằng, với nhà đầu tư đang có trạng thái tùy tình hình mỗi tài khoản mới có thể đưa ra chiến lược cụ thể, không thể một chiến lược áp dụng được cho tất cả. Tuy nhiên, những tài khoản đang quá gần trạng thái bị tất toán, cần phải cắt lỗ để đảm bảo an toàn.
Còn với những nhà đầu tư còn nhiều vốn trong tài khoản, hoặc chưa vào trạng thái và không chắc xu hướng của thị trường, thì nên tạm thời đứng ngoài. Nhà đầu tư nên hiểu rằng, đứng ngoài cũng là một chiến lược đầu tư.