Theo tính toán của Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội tại phiên họp toàn thể của ủy ban đầu tháng 10, hệ số ICOR năm 2009 đã lên tới 8 - mức cao nhất từ trước đến nay (ICOR năm 2008 ở mức 6,66).
Theo các báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, các nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển năm 2009 gia tăng rất mạnh. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cả năm lên tới khoảng 715 ngàn tỉ đồng, bằng 42,6% GDP, tăng 17% so với năm 2008. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt khoảng 161 ngàn tỉ đồng, tăng tới 63% so với thực hiện năm 2008 và tăng 42,7% so với kế hoạch năm.
Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ước cả năm lên tới 54 ngàn tỉ đồng, cộng thêm gần 7.200 tỉ đồng khác chuyển từ năm 2008 (chưa sử dụng hết) qua đã đưa nguồn vốn này lên gấp 2,7 lần số thực hiện năm 2008 và gấp 1,5 lần kế hoạch năm. Vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp nhà nước cũng lên tới khoảng 60 ngàn tỉ đồng…
Không thể phủ nhận là việc tăng cường nguồn lực đầu tư, triển khai các gói kích thích kinh tế đã có tác dụng hỗ trợ nhất định khiến nền kinh tế không bị suy giảm sâu. Một số lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng… nhờ đó có sự tăng trưởng khá. Tình trạng phá sản doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp đã không diễn ra trầm trọng như dự báo.
Tuy nhiên, những hệ quả không mong muốn đã và đang biểu hiện rõ nét. Bội chi ngân sách đã lên cao, ước đạt tỷ lệ 6,9% trong năm 2009; nợ Chính phủ tăng mạnh, tiến dần tới ngưỡng mất an toàn: năm nay ước lên tới 40% GDP (năm 2008, bằng 36,5% GDP) và năm 2010 dự kiến lên tới 44% GDP. Tăng trưởng tín dụng nhanh đã gây sức ép tăng lãi suất. Đã có nhiều dự báo, tái lạm phát sẽ là vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2010.
Tại phiên họp của Ủy ban Tài chính ngân sách cuối tuần trước, tất cả các thành viên của uỷ ban này đều tỏ ý lo ngại về tỷ lệ bội chi. Tỷ lệ bội chi 6,9% mà Chính phủ ước tính đó chưa bao gồm số chi từ nguồn vay trái phiếu của Chính phủ, của các khoản Chính phủ vay nước ngoài về và cho doanh nghiệp nhà nước vay lại. Nhưng vấn đề đáng nói hơn: hiệu quả của nhiều chương trình, dự án đầu tư được đánh giá là không cao.
Một số thành viên Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nay, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều chính sách ban hành còn trùng lắp dẫn đến hiện tượng “mạnh ai nấy chi”.
Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: “Một số quyết sách có vẻ duy ý chí, xuất phát từ tình cảm chứ không phải từ khả năng tài chính của đất nước”. Có thể dẫn ra những công trình mà tính cấp thiết phải đầu tư trong thời điểm hiện tại không cao, như: bảo tàng Hà Nội với nhu cầu vốn đầu tư lên tới 4.000 tỉ đồng.
Các báo cáo mới nhất của các cơ quan Chính phủ cũng cho thấy vì sao hiệu quả đầu tư từ ngân sách thấp. Báo cáo giám sát đầu tư do Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ngày 17.9 vừa qua cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 40 dự án nhóm A xin điều chỉnh lại vốn đầu tư. Tính chung, trong số 6.478 dự án phải điều chỉnh, chiếm 20,2% tổng số dự án đầu tư thực hiện trong kỳ, thì có tới 12,7% dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư, 7,1% dự án phải điều chỉnh về tiến độ.
“Hậu quả là lãng phí vốn đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư và thậm chí không còn đạt hiệu quả đầu tư như mục tiêu đặt ra”, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định. Bộ Tài chính, trong một báo cáo về tình hình thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng nêu, nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước không phát huy được hiệu quả. Chỉ mới kiểm tra một số doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, thanh tra ngành tài chính đã đề nghị xử lý số tiền lên tới 120 tỉ đồng.
Báo cáo tổng hợp về kết quả kiểm toán tại hàng chục bộ, ngành, 23 tập đoàn, tổng công ty… mới công bố của Kiểm toán Nhà nước cũng liệt kê hàng trăm công trình, dự án đầu tư bằng vốn ngân sách kém hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát hàng ngàn tỉ đồng do tình trạng thiếu trách nhiệm, làm sai các trình tự, thủ tục xây dựng cơ bản, bỏ dở đầu tư hoặc hoàn thành nhưng không sử dụng…
Thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 do Chính phủ trình, Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội nêu rõ: tình trạng gia tăng các dự án mà thủ tục đầu tư chưa đảm bảo, nhiều công trình dở dang, chuyển tiếp kéo dài… bộc lộ sự dàn trải trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Được biết, Chính phủ đã dự kiến trình Quốc hội một số chỉ tiêu phát triển lớn trong năm 2010: tăng trưởng GDP 6,5%, bội chi ngân sách 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%... và lên kế hoạch huy động tổng vốn đầu tư phát triển trên 800 ngàn tỉ đồng, tăng 12% so với ước thực hiện năm 2009. Trong đó, đầu tư từ ngân sách là 140 - 160 ngàn tỉ đồng; đầu tư từ trái phiếu chính phủ dự kiến 40.000 tỉ đồng, đầu tư từ tín dụng nhà nước khoảng 55 ngàn tỉ đồng…
Một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, khi tăng trưởng lại một lần nữa được đề cao thì có thể người ta lại dễ quên đi những bài học vẫn còn nóng hổi, chỉ mới từ năm 2007. Và ICOR có thể sẽ lại lên một đỉnh cao mới.