Nghị định 84 được coi là một “nấc thang” mở hơn nữa tiến tới thị trường hoá xăng dầu. Với việc trả lại quyền định giá bán lẻ cho doanh nghiệp trong phạm vi biến động giá thành nhất định, nghị định này cũng đã đem lại hi vọng “chấm dứt” hàng chục năm mặt hàng xăng dầu của Việt Nam chỉ có một mức giá do cơ quan quản lý ấn định cho tất cả doanh nghiệp.
Tới đây, người tiêu dùng đứng trước cơ hội có nhiều lựa chọn hơn trong việc mua xăng dầu, nếu như, mỗi doanh nghiệp có một giá xăng bán lẻ riêng.
Tuy nhiên, điều đó mới chỉ là lý thuyết, một đại diện của Công ty xăng dầu Petec nhận xét. Vị đại diện này phân tích, vấn đề là... thị trường có chấp nhận điều ấy không?
Chuyên gia kinh doanh xăng dầu này nhấn mạnh, các doanh nghiệp qui mô nhỏ nên chỉ nhập hàng tàu nhỏ, chi phí vận chuyển, nhập kho cao hơn so với các doanh nghiệp lớn, dẫn tới giá thành cho 1 lít xăng dầu bao giờ cao hơn.
Theo “lô gíc” trong cơ chế mới, giá bán lẻ của các doanh nghiệp nhỏ này sẽ có thể cao hơn giá bán lẻ của các doanh nghiệp lớn như Petrolimex. Nhưng nếu làm vậy, với vị trí yếu thế hơn trên thị trường, tự các doanh nghiệp này sẽ khó lòng mà giữ giá cao.
Ngược lại, khi doanh nghiệp lớn như Petrolimex đã phải tăng giá thì với thị phần khiêm tốn hơn, các doanh nghiệp nhỏ, vốn chi phí đầu vào đã cao hơn cũng sẽ không dại gì mà bán giá thấp hơn ông lớn này.
Nói cách khác, Petrolimex với thị phần chiếm tới 57% thị trường nên mỗi quyết định về giá của "ông lớn" vẫn sẽ là tiếng nói quyết định trên thị trường.
Nhìn nhận về điều này, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex nói, Petrolimex sẽ không thể cấm các doanh nghiệp khác bán theo giá của mình.
Ông Dũng không quên nhấn mạnh, ở vùng sâu, xa, theo lý thuyết mà cộng thêm cước phí vận tải thì xăng dầu vùng này sẽ rất đắt đỏ. Tuy nhiên, hiện nay, Petrolimex hiện vẫn phải hỗ trợ một năm tới 60 tỷ đồng toàn bộ cước vận tải chở xăng dầu lên những khu vực đó. Tại địa bàn vùng sâu vùng xa, mạng lưới Petrolimex nắm giữ gần như tuyệt đối.
Ông nói: “Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp khác vào thị trường này nhưng họ có vào không?”
Còn tại các địa bàn có cảng tiếp nhận, được coi là thuận lợi như TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, thị phần của Petrolimex chỉ dao động xung quanh mức 35 -40%. Do vậy, đây là thị phần không thể định đoạt chính sách giá bán, nhất là giá bán cho các tổng đại lý và đại lý hiện đang cạnh tranh rất mạnh mẽ về thù lao.
Không phải vô cớ khi ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài Chính đã từng chia sẻ với VietNamnet: “Điều tôi không hài lòng nhất hiện nay là hệ thống phân phối.”
Theo ông, hệ thống phân phối, bán lẻ xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa phản ánh đúng các yếu tố của kinh tế thị trường. Giá không phải là vấn đề chính, mà mấu chốt cho việc hình thành một thị trường cạnh tranh đầy đủ này nằm ở hệ thống bán lẻ.
Khó hy vọng giá giảm do cạnh tranh
Tới đây, người tiêu dùng đứng trước cơ hội có nhiều lựa chọn hơn trong việc mua xăng dầu, nếu như, mỗi doanh nghiệp có một giá xăng bán lẻ riêng.
Ở một góc nhìn khác, ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, yếu tố hình thành giá có rất nhiều và việc lựa chọn của người tiêu dùng cũng sẽ còn phải chi phối nhiều điều kiện khác.
Ông Sơn nói thêm, ở nhiều nước có nhiều mức giá xăng dầu khac nhau nhưng sự chênh lệch không lớn. có thể là vài chục xu/galon. Tuy nhiên, người dân cũng không ai mất sức đi đánh xe ôtô ở trung tâm ra tận ngoại ô để mua được xăng với giá rẻ hơn vài chục xu.
Bên cạnh đó, về vị trí thống lĩnh thị trường như của Petrolimex Nhà nước không thể cấm nhưng với các doanh nghiệp này, sẽ bị cấm một số hành vi kinh doanh có thể lợi dụng được từ vị trí thống lĩnh thị trường.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói, khi giảm giá thì thường, chỉ có Petrolimex là tiên phong. Chính vì doanh nghiệp này đã tự chủ được 6.000 cây xăng, trong đó, 2.000 cây xăng là thuộc sở hữu, giá thành thấp hơn nên có nhiều điều kiện để giảm giá. Còn khi tăng giá thì hầu hết là khởi xướng từ các doanh nghiệp nhỏ.
Ông cũng cho hay, nhiều năm qua, có những doanh nghiệp nhỏ nhưng chỉ đi thuê kho, không chú trọng đầu tư nên chi phí giá thành cao. Có doanh nghệp chỉ có vài chục cây xăng bán lẻ.
Trong cơ chế mới, nếu doanh nghiệp không tự vươn lên, để hạ chi phí giá thành xuống thấp sẽ bị chính quy luật của cạnh tranh loại khỏi cuộc chơi. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải làm sao để phát triển hệ thống kho dự trữ, cậu cảng, phát triển mạng lưới phân phối… để có thể hạ được chi phí hơn nữa.
Các nhà soạn thảo ra Nghị định 84 mong muốn là phải đặt tất cả doanh nghiệp bán xăng dầu trong thế cạnh tranh thì mới mong thúc đẩy giá mặt hàng thiết yếu này hạ xuống.
Thế nhưng, với những thực tế hiện nay, sự mong muốn này là rất xa vời. Trong tương lai, chỉ sự khát vọng vươn lên của các doanh nghiệp xăng dầu ngoài Petrolimex và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào thị trường xăng dầu thì hy vọng giá xăng dầu giảm bớt do cạnh tranh mới có khả năng thành hiện thực.