Trong báo cáo về tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 3/11, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định rằng Việt Nam đã đối phó tương đối tốt với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.
Theo báo cáo trên, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế ở Việt Nam đã xuất hiện nhờ các nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện gói kích cầu, bao gồm nhiều biện pháp như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, chi vốn bổ sung.
Kết quả là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng từ mức 3,1% trong quý I/2009 lên mức 4,5% trong quý II và 5,8% trong quý III, nâng mức tăng GDP thực tế trong 9 tháng đầu năm lên 4,6%.
WB cho rằng trong khi sản xuất vẫn phải đối mặt với những khó khăn do nhu cầu sụt giảm, xây dựng đang là nhân tố dẫn đầu của sự phục hồi với giá trị gia tăng trong lĩnh vực này dự kiến tăng trưởng hai con số trong cả năm nay.
Tiêu thụ nội địa cũng là một nhân tố quan trọng của tiến trình phục hồi kinh tế Việt Nam với bán lẻ tăng 9,3% trong 8 tháng đầu năm. WB ước tính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2009 sẽ đạt 5,5%.
Báo cáo của WB cũng nhận định rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam đã được nới lỏng đáng kể nhằm hỗ trợ nhu cầu trong nước sau một thời gian được thắt chặt trong năm 2008 để đối phó với tình trạng phát triển quá nóng.
Tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam tiếp tục giảm, bất chấp sự tăng mạnh về giá lương thực và nhiên liệu trong nửa đầu năm 2008.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng tình hình trong hai năm qua đã cho thấy những nhân tố dễ bị tổn thương và những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.