11/18/2009 5:03:52 PM

Bước vào mùa xây dựng, doanh nghiệp đã giảm giá bán song thị trường thép khá trầm lắng không sôi động như mọi năm. Đâu là nguyên nhân của nghịch lý này?

Ngay trong tháng 10, trước sức ép của thép ngoại, các nhà sản xuất thép trong nước đã phải 3 lần giảm giá, mỗi tấn thép đã giảm 600.000 – 700.000 đồng. Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 10, giá thép cuộn ở mức 10,5 - 10,9 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế VAT và giá đã giảm gần 1 triệu đồng/tấn so với mức giá lúc cao nhất vào quý II năm nay.

Lượng tiêu thụ không tăng

Với kỳ vọng giảm giá khi bước vào mùa xây dựng, lượng tiêu thụ thép sẽ tăng lên, tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép tiêu thụ trong tháng 10 lại giảm so với những tháng trước đó. Nếu tháng 8, lượng thép tiêu thụ đạt trên 400.000 tấn thì ngay trong tháng 10 lượng tiêu thụ thép chỉ đạt mức 286.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng 9 và giảm trên 100.000 tấn so với tháng 8. Tính đến cuối tháng 10, lượng tồn kho tại các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vào khoảng trên 200.000 tấn thép thành phẩm.

Ông Trương Quốc Thái - Tổng Giám đốc thép Pomina khẳng định, những tháng đầu năm lượng tiêu thụ thép của doanh nghiệp khá tốt song về cuối năm, mặc dù đã giảm giá nhưng lượng tiêu thụ lại giảm 30% so với kỳ vọng.

Một cán bộ thuộc phòng kế hoạch Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên thì khẳng định, rõ ràng vào mùa xây dựng song thị trường thép xây dựng không diễn ra sôi động như mọi năm, chứng tỏ sức mua của người tiêu dùng bị chững lại hoặc tâm lý chờ giá giảm nữa để đưa ra quyết định mua hàng.

Có mặt tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, theo ghi nhận của phóng viên, thi thoảng mới có khách tới giao dịch. Trao đổi với phóng viên, các chủ cửa hàng tại Hà Nội khẳng định, mặc dù đã bước vào mùa xây dựng song tốc độ tiêu thụ sắt thép diễn ra rất bình thường, lượng tiêu thụ không đạt như mọi năm.

Đâu là nguyên nhân?

Lý giải việc thép tiêu thụ chậm trong mùa xây dựng, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, giá thép trên thế giới hiện có xu hướng chững lại, trong tháng 9 giá phôi thép trên thế giới giảm 50 - 60 USD/tấn. Bên cạnh đó, thị trường thép các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc bắt đầu có hiện tượng cung vượt cầu. Vì vậy, họ đã đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tính từ đầu năm, trung bình mỗi tháng lượng thép nhập về Việt Nam vào khoảng 35.000 – 40.000 tấn, riêng trong tháng 10 lượng thép nhập về tăng đột biến 55.000 tấn. Trong nước, tính đến thời điểm tháng 10, lượng sản xuất đã vượt trên 20% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước chịu hai tác động: xuất hiện cung vượt cầu trong nước; áp lực giảm giá để cạnh tranh với thép ngoại.

Thời điểm hiện tại, thép có nguồn gốc từ ASEAN rẻ hơn thép trong nước khoảng 500.000-700.000 đồng/tấn. Những thông tin này phần nào tác động tới tâm lý chờ đợi giá thép còn giảm tiếp của người tiêu dùng khiến cho sức mua chững lại dù đã vào mùa xây dựng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Thái phân tích thêm, trước khi vào mùa xây dựng các doanh nghiệp thương mại đã “ôm” lượng lớn thép nhưng chưa tiêu thụ được, khiến lượng thép tiêu thụ tại các nhà máy bị chậm lại. Ông Thái khẳng định với phóng viên, khả năng tiếp tục giảm giá bán là rất khó, bởi lẽ hiện tại doanh nghiệp đang phải chịu áp lực của tỷ giá ngoại tệ. “Rất có thể thời gian tới giá thép lại tăng vì áp lực tỷ giá…” - ông Thái cho biết.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, thị trường thép sẽ không khởi sắc như mọi năm. Song phía Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp vẫn lạc quan cho rằng, thị trường thép chỉ chững lại trong thời gian ngắn, càng tới thời điểm cuối năm chắc chắn thị trường thép sẽ sôi động hơn.

Báo TNVN  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.