11/25/2009 4:49:17 PM

Sáng nay (25/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Thuế tài nguyên và chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Do việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục nhằm định hướng cho những cải cách mạnh mẽ về giáo dục cần phải có thời gian nghiên cứu công phu, trên cơ sở tổng kết, đánh giá đầy đủ việc thi hành Luật Giáo dục, cùng với việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020, nên đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung như Dự án Luật trình Quốc hội và chỉ tập trung vào những vấn đề bức xúc, đã chín muồi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Thẩm quyền thành lập trường đại học của Thủ tướng Chính phủ

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục về cơ bản đã tập trung giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như: Quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập; bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục…

Tuy nhiên, về thẩm quyền quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập trường đại học, Báo cáo giải trình cho rằng, trong quá trình thảo luận còn có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong khi đây lại là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia. Do vậy, trước mắt tiếp tục giữ quy định về thẩm quyền thành lập trường đại học của Thủ tướng Chính phủ như Luật Giáo dục hiện hành nhưng tăng cường trách nhiệm thẩm định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện, sau đó tổng kết, đánh giá về vấn đề này để có cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục hơn và sẽ trình Quốc hội quyết định vào một dịp thích hợp khác. 

Bộ trưởng GD- ĐT chịu trách nhiệm về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa

Một nội dung được quan tâm trong lần sửa đổi này là chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể, chặt chẽ tiêu chuẩn về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Chưa đưa gió, năng lượng mặt trời, danh lam, thắng cảnh... vào đối tượng chịu thuế

Với 81,54% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Thuế tài nguyên. Theo Dự thảo Luật mới được thông qua, UBTVQH có thẩm quyền: Quyết định thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên; Quyết định bổ sung đối tượng phát sinh chịu thuế tài nguyên; Quyết định miễn, giảm thuế trong một số trường hợp.

Theo Dự thảo Luật mới được thông qua, các đối tượng chịu thuế gồm 9 loại tài nguyên: Khoáng sản kim loại; Khoáng sản không kim loại; Dầu thô; Khí thiên nhiên, khí than; Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất; Yến sào thiên nhiên. Loại tài nguyên thứ 9 do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định khi phát sinh. Phân tích của UBTVQH về nội dung này cho rằng, qua thực tế áp dụng luật, đã có trường hợp phát sinh đối tượng thuộc diện chịu thuế mà chưa được quy định trong luật. Để luật mang tính dự báo và ổn định, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều lần cần phải có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh và phải quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa tài nguyên vào đối tượng chịu thuế. Do vậy khoản 9 Điều 2 của Dự thảo luật mới được quy định: “Tài nguyên khác do UBTVQH quyết định”.

Trong Dự thảo luật này, UBTVQH cũng đề nghị chưa bổ sung một số tài nguyên như gió, năng lượng mặt trời, danh lam, thắng cảnh, tần số, kho số, đất... vào đối tượng chịu thuế. Đối với một số tài nguyên như gió, năng lượng mặt trời là năng lượng sạch, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang khuyến khích sử dụng. Việc không đưa gió, năng lượng mặt trời vào đối tượng chịu thuế cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với kho số, tần số... hiện đang là lĩnh vực mới, bước đầu được khai thác; Nhà nước cũng đang áp dụng thu phí sử dụng đối với tài nguyên này. Đối với danh lam, thắng cảnh, hiện nay, khi khai thác, cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp đều phải nộp thuế giá trị gia tăng cho dịch vụ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ lợi nhuận thu được. Hơn nữa, Nhà nước đang chủ trương khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp khai thác thế mạnh của danh lam, thắng cảnh; quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các danh lam, thắng cảnh của đất nước với người dân trong nước và thế giới. Đối với tài nguyên đất, theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, nộp tiền thuê đất, tiền giao đất... 

 

Miễn thuế tài nguyên đối với hải sản tự nhiên

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH cũng đề nghị quy định miễn thuế tài nguyên đối với hải sản tự nhiên. Về nguyên tắc, hải sản vẫn là đối tượng chịu thuế tài nguyên nhưng trước mắt miễn thuế đối với hải sản tự nhiên vì với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, việc khai thác, đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ là lĩnh vực rủi ro lớn. Đặc biệt, đời sống ngư dân hiện còn nhiều khó khăn. Mặt khác, thời gian qua, mặc dù hải sản là đối tượng chịu thuế nhưng về cơ bản, Nhà nước chưa thu được thuế, số nợ đọng thuế lớn.

Về khung thuế suất, Dự thảo Luật mới đã được điều chỉnh theo hướng thu hẹp biên độ khung thuế suất bằng việc nâng sàn, hạ trần của khung; Chia nhỏ khung thuế suất; Cụ thể hóa các đối tượng chịu thuế tương ứng với các mức thuế suất.

Cũng trong sáng nay, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu và Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với đa số tán thành. 

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Trọng tài thương mại.

VOVNews  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.