Theo Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng của năm nay, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng vốn vào Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, tuy mới chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2008 nhưng đây là cũng là con số khá cao trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Với số lượng dự án mới này, tính đến ngày 22/11/2009, cả nước có 10.854 dự án FDI còn hiệu lực, với 175 tỷ USD tổng vốn đăng ký.
Cũng trong 11 tháng qua, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9 tỷ USD, bằng 89,6% so với cùng kỳ năm 2008. So với mục tiêu giải ngân 10 tỷ USD năm 2009, nhìn chung các dự án FDI đang triển khai phù hợp với tiến độ dự kiến.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực FDI vẫn đang trong xu thế phục hồi. Xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu khí) trong 11 tháng qua đạt 27,02 tỷ USD, bằng 84,5 % so với cùng kỳ và chiếm 52,5% tổng xuất khẩu cả nước.
Còn nhập khẩu của khu vực này trong 11 tháng đạt 22,4 tỷ USD, bằng 86,8% so với cùng kỳ và chiếm 36,6% tổng nhập khẩu cả nước. Như vậy, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 4,6 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD.
Cục Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với trên 8,7 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Trong đó, có 31 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư là 4,9 tỷ USD và 8 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm 3,8 tỷ USD.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 5,9 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Đây là lĩnh vực có sự gia tăng đột biến so với các tháng đầu năm do trong tháng 9 và tháng 10 có hai dự án lớn được cấp phép là dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng tại tỉnh Quảng Nam và dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại tỉnh Đồng Nai, có tổng vốn đầu tư lần lượt là 4,15 và 2 tỷ USD.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn đăng ký lớn thứ ba trong 11 tháng của năm nay với 2,84 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 2,09 tỷ USD đăng ký mới và 751 triệu USD vốn tăng thêm.
Hiện nay, Hoa Kỳ đang đứng đầu trong danh sách 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm nay, với tổng vốn đăng ký 8,1 tỷ USD chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tiếp theo là Cayman Islands, với tổng vốn đăng ký 2,02 tỷ USD chiếm 10,2%; đứng thứ 3 là Samoa, với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD chiếm 8,6%; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 1,58 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký.