12/15/2009 10:46:15 AM

Nhìn bạn bè tranh thủ hối hả nhắn tin, rủ nhau ra tận ga mua vé tàu, Hương (quê Thanh Hóa), công nhân (KCN Biên Hòa 2 - Đồng Nai) nghèn nghẹn: "Tết này có lẽ em không về quê được!".

Cặm cụi gần 1 năm trời, đùng một cái, gần kề tết, chủ DN bỏ trốn, xù luôn nhiều tháng lương nợ đọng, Hương cũng như hàng trăm bạn mình điêu đứng. Đó là một trong nhiều nguyên nhân, khiến hàng ngàn công nhân "tha phương cầu thực" phải ở lại nơi đất khách quê người và đêm giao thừa, mong điện thoại đừng nghẽn mạng, để nghe tiếng quê nhà...

Nghiệt ngã...

 "Có thể Hương sẽ được miễn phí tiền xe về quê trong dịp này đấy. Nên về đi, cả năm mới có vài ngày. Ơ lại đất này vào dịp tết, tủi lắm, vắng lắm vì người ta về quê hết! Năm ngoái có nhiều Cty chở công nhân miễn phí về tận quê đón tết mà. Năm nay chắc cũng vậy!". Tôi vừa nói, vừa đưa cho Hương tờ báo, với dòng thông tin: UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở GTVT cấp giấy ưu tiên cho những xe của DN hoặc DN thuê chở công nhân về quê ăn tết.  Hương nghèn nghẹn "Tiền đâu nữa hả anh(?!). Họ bỏ trốn không trả nợ lương rồi!".

Hương quê ở Thanh Hóa, chân ướt chân ráo vào Bình Dương, được bạn bè dẫn tới DNTN Phước Lộc (DN chuyên cung ứng lao động, dịch vụ đóng gói, trụ sở tại huyện Tân Uyên, chủ người Đồng Nai) ký hợp đồng lao động. Sau khi ký, Cty điều Hương cùng khoảng 500 công nhân đến làm việc (đóng gói sản phẩm) tại một Cty ở KCN Biên Hòa 2 (Đồng Nai) nhưng tiền lương lại do DN Phước Lộc trả.

Làm đến những tháng cuối năm, bà chủ DN Phước Lộc xin khất nợ 2 tháng lương (tháng 8 và 9), hứa tới 23.10.2009 sẽ trả. Hương cũng tự an ủi, mình tuy cặm cụi ngày đêm nhưng cũng đang tuổi chơi, tuổi yêu nên khó mà dành dụm được nhiều. Chịu khó nín nhịn một thời gian, tiền 2 tháng lương đó cũng gần 3 triệu đồng, xem như một khoản tiết kiệm, dành dụm mua quà về quê cũng được!

Khốn nạn, tới ngày trả, bà chủ DN đột nhiên... mất tích, ẵm theo hơn 1 tỉ đồng tiền nợ lương của khoảng 500 công nhân, trong đó có Hương. Chờ mãi không được, những công nhân trên phải cử đại diện đến nhờ một luật sư thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai kêu cứu tới báo chí, làm đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương can thiệp bảo vệ quyền lợi cho mình. 

"Đến giờ, vẫn chưa thấy chuyển biến gì anh ơi! Bọn em đứa thì ở lại, đứa nhảy Cty khác làm. Còn hơn 2 tháng nữa là tết, tiền lương chắc chỉ đủ sống qua ngày thôi! Tiền đâu mua vé xe, mua quà cho em út, bố mẹ...!". Hương quay mặt đi, cố nén dòng nước mắt sắp trào ra.

Mong... điện thoại đừng nghẽn mạng

Không xui xẻo như Hương, nhưng Nguyễn Thị Lý (quê Quảng Nam, công nhân giày dép tại một Cty ở KCN Tân Tạo TPHCM) cũng không định về quê dịp tết này, nên không buồn ra mua vé tàu, dù bạn bè cùng Cty cứ rảnh chút nào là cắt cử nhau ra ga Sài Gòn trực vé.

Lý tâm sự: "Mấy năm trước, cứ dịp gần tết này, em cố gắng làm tăng ca, cộng với tiền phụ cấp, tiền thưởng dành dụm cũng tàm tạm để về quê ăn tết. Năm nay, em nghe nói Cty không có tiền trợ cấp, trong khi giá cả lại tăng. Mới đây chủ nhà trọ cũng đòi tăng tiền phòng nữa. Coi như khoản tăng ca chỉ đủ trang trải, không còn tiền mà về quê nữa!". Thấy người chị rầu rầu, cô em gái Nguyễn Thị Tiến cũng nghẹn lại: "Nhà em có 2 chị em gái vào đây làm công nhân cả. Ơ nhà chỉ còn đứa em trai nhưng mới học lớp 3, tết này vắng 2 đứa em, chắc cha mẹ buồn lắm!".

Với công nhân đã lập gia đình, thì lại có mối lo khác mỗi khi xuân về tết đến. Hà, công nhân Cty Pouyuen (KCN Tân Tạo TPHCM) đã mang bầu vài tháng, được nhận một khoản tiền bảo hiểm thai sản khoảng 7 - 8 triệu đồng. "Số tiền đó, cũng giúp gia đình mình có được một cái tết tàm tạm so với các công nhân khác. Nhưng qua tết là sinh cháu rồi, không để dành thì không được. Nên có lẽ, tết này vợ chồng mình ở lại! Sau này cháu khoảng vài tuổi, chắc gửi về quê cho ông bà nuôi giúp! ".

Hồ Thị Hoa và 3 công nhân khác cùng quê Quỳnh Lưu, Nghệ An (làm việc tại KCN Biên Hòa I, Đồng Nai) đã có nhiều cái tết xa nhà, nên đã "chịu đựng" được nỗi nhớ nhung.
 
Chỉ lên bức tường mốc meo của căn phòng trọ tồi tàn còn treo những bông hoa đào được kết bằng giấy, Hoa kể: "Tết ở lại, buồn lắm, vắng lắm, vì mọi người về quê hết. Nhưng cũng phải đón tết phải không anh(?!). Năm ngoái, bọn em cũng cố tạo cho mình không khí ngày tết, có hoa đào giấy này, bánh kẹo này... Chỉ tiếc là không có bánh chưng nhà nấu (Hoa và bạn đi mua ở chợ), không được bố mẹ mừng tuổi. Không được mặc áo len vì tết ở miền Bắc lạnh lắm!"

Kể đến đây, mắt Hoa dưng dưng, giọng Hoa chùng xuống "3 năm làm công nhân, em chỉ mong ước có một cái tết ở gia đình!. Mong năm nay, điện thoại đừng nghẽn mạng, em sẽ mua hẳn một cái sim 200.000 đồng gọi điện nói chuyện với cả nhà!".

"Bóp miệng" tăng ca dành chút quà cho quê...

Chuyện về quê ăn tết trở thành cả một vấn đề lớn với hàng trăm ngàn công nhân khắp Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, BRVT hiện nay. Người xác định ở lại có mất mát riêng. Người quyết về, lại có những nỗi niềm khác: Tăng ca, "bóp miệng" tằn tiện từng đồng để có tiền về quê!.

Hà Thị Đạt mới 19 tuổi, quê tận Phú Thọ, vào làm công nhân KCN Tân Tạo được hơn 2 tháng. Cũng như nhiều chị em khác, nếu không tăng ca, chỉ có mức lương từ 1,2 triệu - 1,4 triệu/tháng. Những tháng cận tết này, để có tiền về quê, Đạt xin tăng ca triền miên từ 50 - 60 tiếng/tháng.

Nhỏ tuổi nhất nhưng khéo nấu nướng, Đạt cũng được 4 chị cùng phòng trọ giao trọng trách tằn tiện chi tiêu, để dành ra một khoản mua vé xe cho cả phòng. Khổ, giá cả ngày cận tết tăng cao nên Đạt phải căn ke đến từng giờ đi chợ, để mua được thức ăn rẻ, mà lại no và phải gói gọn trong khoảng 20.000 đồng cho 4 người ăn.

Chiều muộn mằn, chúng tôi theo Đạt ra cái chợ Bãi Cát (Q. Bình Tân), một chợ đặc biệt chỉ hoạt động sôi nổi nhất vào giờ công nhân tan ca và chỉ dành cho đối tượng công nhân. Bởi người dân có tiền, ai thèm mua những mớ rau đã ngả màu đang được cô bán hàng làm tươi lại bằng thứ nước đọng trên đường(?!).

Ai thèm mua những miếng thịt sống thịt chín được bày lẫn lộn, ruồi nhặng bám đầy và bốc mùi ôi ôi của con lợn đã mổ từ sáng sớm. Ai thèm mua, những thức ăn với giá rẻ mạt đến bất ngờ: 1.000 đồng/1 trái bầu đủ nấu canh cho 4 người ăn; 2.000 đồng/kg rau cải; cá diêu hồng 10.000 đồng /1 con gần nửa kilôgram...? Đạt cũng như nhiều công nhân đi chợ, đều hiểu rằng, mua những thứ "của ôi" chốn chợ chiều đó, làm sao đảm bảo vệ sinh, sao mà ngon được! Nhưng...!

Nguyễn Mai Thơ - một công nhân có khuôn mặt già trước tuổi hả hê khi mua được một con cá diêu hồng vừa chết với giá rẻ cho biết: "Về chịu khó nấu kỹ lên là ok hết à!".

Mâm cơm cho 4 công nhân được đặt ngay giữa chiếc giường gỗ ọp ẹp chỉ có một đĩa rau muống luộc, một tô nước canh được chắt ra từ nước luộc rau trong veo và một đĩa đậu hũ xốt cà chua! Tất cả hết 10.000 đồng tiền thức ăn. Nếu tính cả tiền mắm muối, tiền gạo, tiền mỡ, tiền gas đun nấu thì hết khoảng 15.000 đồng! Như vậy, 4 người, đã tiết kiệm được 5.000 đồng so với định mức tằn tiện hiện nay và khoảng 10.000-15.000 đồng lúc chưa vào "cao điểm" tiết kiệm tiền về quê ăn tết!

Lao Động  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.