Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Amit Midha, Chủ tịch Dell khu vực Nam Á cho biết, Dell không chỉ xem Việt Nam như thị trường bán hàng, mà còn là nơi có thể đặt nhà máy để sản xuất.
“Gần đây, chúng tôi đã tiếp cận một công ty. Công ty này đưa ra ý định thăm dò khả năng có một cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ của Dell tại Việt Nam. Chúng tôi đang xem xét đề xuất này”, ông Amit Midha nói.
Có thể xem đây là một trong những động thái đầu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực viễn thông - CNTT của Việt Nam trong năm 2010.
Sau cao trào thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2007, lĩnh vực viễn thông - CNTT của Việt Nam khá “im ắng” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2007, lĩnh vực CNTT Việt Nam thu hút được nhiều dự án với vốn đầu tư cả tỷ USD của Intel, Foxconn, Compal. Trong năm 2009, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực thông tin truyền thông thu hút được 63 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 68 triệu USD.
Theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Đường, quyền Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực CNTT của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và tăng mạnh thời gian qua, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng phát triển của ngành.
Từ năm 2000 đến nay, ngành CNTT của Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng 20-25%/năm. Dự kiến, trong giai đoạn 2010-2015, mức tăng trưởng trung bình toàn ngành sẽ đạt 20%/năm. “Phải ưu tiên bố trí kinh phí ít nhất 25% trong chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm, để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia lớn vào lĩnh vực CNTT, nhất là đầu tư các lĩnh vực công nghiệp sản phẩm mới, các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao”, ông Đường kiến nghị.
Theo nhận định của một quan chức Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc quy hoạch các khu CNTT tập trung quốc gia được phê duyệt sẽ là hấp lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
“Trên thực tế, các khu CNTT chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực CNTT, do thiếu quy hoạch và chưa có sự quản lý thống nhất. Chẳng hạn, dự án của Foxconn, Compal lựa chọn khu công nghiệp làm địa điểm đầu tư, chứ không phải khu CNTT”, vị quan chức trên dẫn chứng.
Theo Quy hoạch phát triển các khu CNTT đến năm 2020, dự kiến, cả nước sẽ có 23 khu CNTT tập trung, với tổng diện tích gần 2.000 ha. Nhà nước sẽ chỉ bỏ tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước đến hàng rào khu CNTT tập trung. Nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng bên trong khu CNTT sẽ huy động chủ yếu từ xã hội hoá và vốn đầu tư nước ngoài.
Việc giao doanh nghiệp tự đầu tư, theo lý giải của vị quan chức trên, là nhằm tăng tính trách nhiệm, đồng thời hối thúc doanh nghiệp gọi vốn đầu tư để nhanh chóng lấp đầy diện tích của khu CNTT tập trung đã đầu tư.
Hiện một số khu CNTT đã được giao lại cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, như khu CNTT tại Vinh do VTC làm chủ đầu tư, khu CNTT tại Đà Nẵng và Hoà Lạc do FPT đầu tư.