1/29/2010 8:59:44 AM

Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết âm lịch nhưng nhiều doanh nghiệp (DN), dù đang ăn nên làm ra vẫn phớt lờ chuyện thưởng Tết; còn một số DN làm ăn thua lỗ thì chủ bỏ trốn, xù lương, thưởng.

Đình công vì chậm công bố thưởng

Trong tháng 1/2010, tại TP.HCM, đã xảy ra năm cuộc đình công do chủ DN không "đả động" đến chuyện thưởng Tết.

Mới đây nhất là cuộc đình công của 500 công nhân (CN) tại Công ty DongBang (100% vốn Hàn Quốc, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) ngày 16/1 do CN phải tăng ca liên tục mà không hề nghe chủ DN nhắc đến lương thưởng cuối năm, tiền phép năm 2009 cũng chưa được thanh toán. Trước đó, ngày 14/1, 150 CN Công ty TNHH may mặc Nhật Lâm (chi nhánh tại P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng ngừng việc vì công ty chưa công bố tiền thưởng Tết, chậm thanh toán lương, chưa thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu... Sau sự can thiệp của các cơ quan chức năng, lãnh đạo công ty mới cam kết giải quyết các kiến nghị của CN như: sẽ thỏa thuận khi tăng ca, thanh toán tiền phép năm. Tuy nhiên, trả lời về việc có thưởng Tết hay không, lãnh đạo công ty chỉ "dằn mặt": "Nếu CN tiếp tục ngừng việc, sẽ không thưởng". Cách nói này càng gây bức xúc cho người lao động (NLĐ).

Cuối tháng 12/2009, CN Công ty TNHH Việt Ánh Sáng (100% vốn Hàn Quốc, huyện Củ Chi) điêu đứng khi chủ DN "đột ngột" biến mất. Chủ trốn, để lại món nợ hơn 650 triệu đồng tiền lương tháng 11 và tháng 12/2009; các quyền lợi khác về BHXH, trợ cấp của tập thể CN cũng đi tong. Đáng nói là tất cả những DN xảy ra đình công trên đều không thành lập công đoàn.

Hiện còn rất nhiều DN chưa công bố thưởng Tết, như huyện Củ Chi còn gần 40 DN, huyện Hóc Môn còn hơn 10 DN. Riêng trong hai KCN Tân Tạo và Lê Minh Xuân, chỉ có mỗi Công ty may Kim Đức (KCN Tân Tạo) là công khai cho CN biết mức thưởng, thời gian trả thưởng.

Dở khóc dở mếu

Ngày 27/1, nhiều CN đang làm việc tại Công ty may NopLand (Q.12, TP.HCM) đã bày tỏ hoang mang về vấn đề thưởng Tết: không biết năm nay có được thưởng hay không, thưởng bao nhiêu, khi nào  được lãnh... Chị Kim Th. (34 tuổi) rớm nước mắt, kể: "Vợ chồng tôi ở Quảng Trị, vào TP.HCM làm CN gần 5 năm. Từ đó đến nay không dám về quê. Mấy tháng trước, mẹ tôi qua đời, tôi cũng không về chịu tang được do sợ mất việc. Tết này trông có tiền thưởng để mua vé xe về quê thăm mộ mẹ mà đến giờ vẫn chưa có”. Cũng vì chưa biết thông tin thưởng Tết nên những CN ngoại tỉnh như chị Th. vẫn chưa dám mua sắm, gửi tiền về cho người thân hoặc quyết định về quê hay ở lại ăn Tết...

Pháp luật LĐ không bắt buộc thưởng Tết. Hàng năm, DN thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Trong trường hợp DN làm ăn thua lỗ hoặc năng suất của NLĐ không cao thì DN có quyền không thưởng.

Hiện nay, nhiều DN không có công đoàn, vì thế cũng không có đại diện để thương lượng với chủ DN về quy chế thưởng. Ông Trương Lâm Danh – Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nói: "Việc thưởng Tết là do DN và NLĐ - mà đại diện là công đoàn - ký với nhau trong thỏa ước lao động tập thể. Khi trong thỏa ước có cam kết mà DN không thực hiện thì NLĐ có thể kiện ra tòa".

Bà Phạm Thị Xa - Phó chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM cho biết: "Tính đến ngày 28/1/2009, toàn KCX-KCN mới chỉ có khoảng 50% DN hứa hẹn sẽ thưởng Tết cho NLĐ, nhưng tiền thưởng chỉ được phát vào ngày làm việc cuối cùng, tức ngày 29 Tết". Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho thấy: thời gian phát thưởng Tết cho NLĐ là từ ngày 5 đến 12/2/2010 (tức 22 đến 29 tháng chạp). Lý do các DN chọn ngày 28, 29 Tết mới phát thưởng được giải thích là nhằm tránh tình trạng CN nhận thưởng sớm sẽ nghỉ luôn, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của công ty; hoặc CN dễ đình công khi so sánh mức thưởng với các DN cùng ngành nghề hoặc trong KCN. Các DN "thủ thế" như vậy khiến NLĐ "dở khóc dở mếu" vì khi lĩnh thưởng xong, họ cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian để mua sắm Tết; nếu về quê  thì cũng không còn tàu xe mà về.

Phụ Nữ  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.