Trang Thanh niên và Diễn đàn Tuổi trẻ Sống đẹp, sống có ích, xin giới thiệu một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại tọa đàm.
Tại Hải Dương có 10 khu, 33 cụm công nghiệp, nhiều thanh niên nông thôn đến làm việc ở các khu công nghiệp và các doanh nghiệp, tạo nên đội ngũ thanh niên công nhân đông đảo. Trong hai năm 2008 - 2009, toàn tỉnh đã giới thiệu với Ðảng gần 3.000 đoàn viên ưu tú, trong đó thanh niên tại các khu công nghiệp là hơn 200 người.
Những khó khăn, hạn chế
Cùng với mở rộng quy mô giáo dục đào tạo, số học sinh, sinh viên trong các trường dạy nghề và cao đẳng sẽ tăng cao, thanh niên thuộc các lĩnh vực tiếp tục có sự phân hóa, chênh lệch ngày càng lớn về trình độ học vấn, mức thu nhập, địa vị kinh tế, điều kiện hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí, định hướng giá trị. Thanh niên có trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp cao hơn trước. Tuy nhiên, năng lực thực tiễn, tay nghề, chuyên môn, khả năng hội nhập, ứng xử tình huống của nhiều thanh niên còn bất cập trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù có số lượng đoàn viên đông, sinh hoạt trong các khu, cụm công nghiệp phân tán khắp toàn tỉnh, lại bị áp lực của lao động, sản xuất, kinh doanh, song các cấp bộ đoàn trong tỉnh vẫn quan tâm, chú trọng giới thiệu các đoàn viên, thanh niên ưu tú trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất với Ðảng. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng trong thanh niên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất diễn ra không đều, không thường xuyên. Ở nhiều nơi nhiều năm liền không có đoàn viên ưu tú được kết nạp Ðảng. Trong đoàn viên, thanh niên còn một bộ phận thờ ơ với các hoạt động chính trị, không có nguyện vọng, mong muốn phấn đấu trở thành đảng viên; nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đoàn thể. Mặt khác, do đặc thù công việc, một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm công tác đoàn nói chung và công tác bồi dưỡng kết nạp đảng viên nói riêng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã có tổ chức đảng nhưng lúng túng về phương thức hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chưa cao, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn không đều, nội dung chậm đổi mới, phân công công tác và quản lý đoàn viên thiếu chặt chẽ, bất cập; công tác giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú ít được quan tâm, vai trò lãnh đạo công tác cán bộ và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chưa thể hiện rõ, công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn.
Số lượng tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp còn ít và phát triển chậm so với sự tăng lên nhanh chóng của các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều tổ chức đoàn chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đối với đoàn viên thanh niên, chưa tạo sân chơi thu hút đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia. Nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên... Số đoàn viên, thanh niên được tập hợp vào tổ chức chỉ chiếm khoảng 15% tổng số thanh niên tại các khu, cụm công nghiệp. Tổ chức cơ sở đoàn chủ yếu mới thành lập được trong các doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động của một số tổ chức cơ sở đoàn còn yếu kém, chưa xây dựng được những mô hình thiết thực để đoàn kết, tập hợp thanh niên. Hiện nay, khó khăn nhất là không có thời gian, địa điểm, kinh phí và cơ sở vật chất để hoạt động thu hút đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng.
Những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết xây dựng tổ chức đảng, công đoàn và Ðoàn Thanh niên; nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn e ngại, không tạo điều kiện cho tổ chức đoàn hoạt động trong doanh nghiệp của mình; Ðoàn Thanh niên chưa tích cực chủ động, chưa đầu tư đúng mức công tác phát triển đoàn viên, còn nhiều lúng túng trong tổ chức hoạt động và thành lập tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp.
Nỗ lực của tổ chức đoàn
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Ðoàn đã bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước và của Ðoàn Thanh niên về việc tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh,... để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bên cạnh đó, hằng năm Tỉnh ủy đều có các văn bản chỉ đạo, định hướng công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên, trong đó có nội dung liên quan đến công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ðồng thời chủ động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ,... xây dựng các nội dung, chương trình hoạt động hằng năm.
Với phương châm, nơi nào có đông thanh niên nơi đó có tổ chức đoàn - hội, từ năm 2003, Ban Thường vụ Tỉnh Ðoàn đã quan tâm, đầu tư cho công tác tập hợp thanh niên lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với những biện pháp cụ thể như: thực hiện các chuyên đề về công tác tập hợp thanh niên ngoài quốc doanh, thành lập tổ công tác ngoài quốc doanh và phân công ủy viên thường vụ phụ trách, có kế hoạch và văn bản hướng dẫn cơ sở về công tác tập hợp thanh niên ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế, thể hiện qua số lượng chi đoàn, chi hội ngoài quốc doanh chưa nhiều, số lượng đoàn viên, hội viên còn ít so với tổng số thanh niên ngoài quốc doanh, tổ chức đoàn - hội chưa trở thành một tổ chức không thể thiếu trong doanh nghiệp có đông thanh niên.
Trong đó các cấp bộ Ðoàn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên về chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên trong giai đoạn hiện nay, thông qua các phong trào hành động cách mạng, qua đó bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Ðảng xem xét kết nạp, góp phần bổ sung lực lượng trẻ, có chất lượng cho Ðảng.
Ðể công tác phát triển đảng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đồng thời củng cố tổ chức đoàn, trước hết, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Ðảng trong các doanh nghiệp, đơn vị, công tác phát triển đảng viên trẻ phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng đảng. Ðồng thời thông qua việc tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động và hoạt động thực tiễn để phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng, tạo nguồn đoàn viên ưu tú để giới thiệu với Ðảng. Trong quy hoạch mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải có tổ chức đoàn, và các đoàn thể nhằm tăng cường các nguồn lực chăm lo cho thanh niên công nhân. Tổ chức đoàn, hội cần tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp điều kiện, thời gian làm việc của đoàn viên, thanh niên gắn liền với chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò, tác dụng của Ðoàn trong doanh nghiệp. Thường xuyên giáo dục về Ðảng cho đoàn viên, thanh niên nói chung nhất là thanh niên tại các khu, cụm công nghiệp nói riêng.