TT - Một số ngân hàng cho biết sau khi áp dụng lãi suất thỏa thuận khi cho vay vốn trung và dài hạn, một số khách vay vốn để đầu tư sản xuất đã lắc đầu khi ngân hàng đưa ra mức lãi suất vay trên 18%/năm.
Đã có xu hướng cạnh tranh giữa các ngân hàng (NH) theo hướng có lợi cho người vay. Đồng thời các NH cũng không vội vã huy động vốn với lãi suất cao, dù có nơi chào mời.
Cao nhưng sẽ giảm
Theo NH Nhà nước, trong tuần qua, khi được thỏa thuận lãi suất cho vay trung - dài hạn, các NH đã tăng lãi suất cho vay, dao động quanh 12-14%/năm, trong đó NH cổ phần từ 15-17%/năm. Cũng có NH đưa ra lãi suất 18%/năm. Tuy nhiên, khá nhiều NH thừa nhận với mức lãi suất trên 17-18%/năm là vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình cũng không quá bi quan vì thời gian đầu khi áp dụng lãi suất thỏa thuận, lãi suất cao là chuyện khó tránh khỏi. Xu hướng chung là lãi suất sẽ giảm dần vì các NH phải cạnh tranh với nhau. Có cơ sở để cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn sẽ giảm dần. Theo NH Nhà nước, hiện nguồn vốn của các NH đã dồi dào nên việc cho vay đang được tích cực đẩy ra bắt đầu từ tháng 3-2010 bằng việc kéo giảm lãi suất cho vay.
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc NH Á Châu (ACB), cho biết ACB đang thừa trên 30.000 tỉ đồng. Lãi suất cho vay trung - dài hạn ở ACB sẽ ở mức 15-16,5%/năm, trong đó sẽ kéo dài thời hạn cho vay từ 7 năm lên 10 năm. Theo ông Hải, trong điều kiện hiện nay, lãi suất 15-16,5%/năm doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Tại NH Sài Gòn Thương Tín, doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ NH được vay theo lãi suất 15%/năm, trường hợp khác cao nhất 17%/năm.
Nhiều NH cũng cho biết dù biết lãi suất cho vay trung - dài hạn khá cao nhưng mức này lại phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động đang áp dụng. Các NH đang phải trả chi phí huy động vốn (gồm lãi suất theo công bố, khuyến mãi và thưởng là trên 12%) và chi phí cho vay khoảng 3%, thì lãi suất cho vay là 17-18%.
Phải cạnh tranh tìm người vay
Với lợi thế huy động vốn giá rẻ, các NH thương mại nhà nước bắt đầu cạnh tranh giảm lãi suất cho vay. Một phó giám đốc VietinBank ở TP.HCM cho biết hiện mức sàn cho vay thỏa thuận của một số chi nhánh VietinBank là 14,5%/năm áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp. Phó phòng giao dịch Vietcombank ở TP.HCM cũng cho biết nguồn vốn cho vay của NH dư thừa nên NH phải tích cực tìm kiếm khách hàng có dự án tốt để cho vay. Hiện NH này đang áp dụng lãi suất 14%/năm đối với doanh nghiệp lớn, với doanh nghiệp nhỏ là 15%/năm.
Một yếu tố khác cũng sẽ dẫn đến việc NH phải giảm lãi suất cho vay là khó tìm người vay chấp nhận được các mức lãi suất thỏa thuận. Ông Trần Quang Trường, phó tổng giám đốc Công ty CP SXKD XNK dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex), nhận định các doanh nghiệp sẽ khó có thể mở rộng đầu tư trong giai đoạn hiện nay vì chi phí đầu tư đã tăng rất cao.
“Cách đây vài năm đầu tư nhà xưởng chỉ 1,5 triệu đồng/m2, hiện nay đã tăng lên gấp đôi do vật liệu xây dựng và chi phí nhân công đều tăng, nay thêm lãi suất tăng buộc doanh nghiệp phải cân nhắc. Bản thân doanh nghiệp phải có lựa chọn, chỉ chọn những dự án khả thi cao, hoặc tìm vốn qua kênh phát hành cổ phiếu, trái phiếu...” - ông Trường nói.
Nhiều NH thừa nhận tăng trưởng tín dụng trong năm nay không đơn giản vì NH ngại bơm vốn vào lĩnh vực bất động sản mà tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh.
Ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng cho rằng dù đã vượt qua khó khăn trong năm 2009 nhưng doanh nghiệp vẫn e ngại khi mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Do vậy, tín dụng trung - dài hạn sẽ chỉ chiếm tỉ lệ không quá cao trong tổng dư nợ của NH.