Khảo sát của Grant Thornton được thực hiện trên 7.400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc 36 nền kinh tế trên thế giới.
Tại Việt Nam, có đến 72% các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân được phỏng vấn đã trả lời: mức độ stress của họ có dấu hiệu tăng dần qua các năm. Tỷ lệ này cao hơn nhiều nước khác như Hy Lạp (68%), Phần Lan (33%)... và chỉ thấp hơn Trung Quốc (76%), Mexico (74%).
Ông Ken Atkinson, Giám đốc điều hành của Grant Thornton Việt Nam, cho rằng: “Có bốn yếu tố chính gây nên mức độ căng thẳng cao tại Việt Nam là: tình hình biến động kinh tế, khối lượng công việc, mức độ cạnh tranh trên thị trường và áp lực về dòng tiền mặt cung ứng”. Điều này cũng được các chủ doanh nghiệp tư nhân trên thế giới và Việt Nam thừa nhận khi 38% ý kiến cho rằng căng thẳng là do tình hình suy thoái kinh tế trong năm 2009; 26% khẳng định họ căng thẳng vì dòng tiền mặt cung ứng, 21% vì mức độ cạnh tranh và 19% vì áp lực khối lượng công việc.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, có mối quan hệ giữa mức độ căng thẳng và số ngày nghỉ cho mỗi cá nhân trong năm. Theo số liệu, những người bị stress là những người có số ngày nghỉ mỗi năm thuộc loại trung bình hoặc rất thấp. Tại Việt Nam, số ngày nghỉ chỉ là 7 ngày/năm. Ông Atkinson cho biết: “Có đủ cơ sở để cho rằng khi có nhiều ngày nghỉ hơn thì mức độ stress sẽ thấp hơn. Kinh nghiệm làm việc cùng với các công ty tư nhân cho chúng tôi biết, dành thời gian thư giãn nhiều hơn sẽ giúp đưa ra những ý tưởng mới mẽ trong quyết định của các chủ doanh nghiệp”.