|
|
Ưu tiên giải pháp tăng năng suất lao động |
4/16/2010 9:36:27 AM
Làm gì để tăng năng suất lao động? Đó là vấn đề bức thiết đặt ra trước yêu cầu tăng trưởng kinh tế bền vững của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Chủ động sáng tạo
Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cạnh tranh ngày càng gay gắt, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp (DN) đã chú trọng các giải pháp phát triển bền vững, tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Trăn trở về bài toán này, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty May Thêu Dệt An Phước bộc bạch: “Trước thực trạng thiếu hụt lao động, chúng tôi đầu tư trang thiết bị, công nghệ sản xuất mới thay cho việc phải sử dụng nhiều lao động. Cụ thể như ở khâu mổ túi may gia công, thay vì phải cần 3 lao động, công ty nhập máy tự động với giá từ 10.000-15.000 USD nên giảm bớt 2 lao động”. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố đổi mới thiết bị, công nghệ thì giải pháp tổ chức quy trình sản xuất hợp lý cũng góp phần tăng năng suất lao động.
Một điển hình khác là Toyota Bến Thành - Trung tâm dịch vụ bảo trì của Hãng Toyota tại VN. Nhờ áp dụng chương trình cải tiến rút ngắn thời gian bảo trì ô tô và tập trung huấn luyện đội ngũ công nhân - kỹ thuật viên sửa chữa xe hơi thành thục, trung tâm đã loại bỏ các yếu tố làm giảm năng suất lao động như thời gian chết, quy trình di chuyển chưa hợp lý… Thay vì phải chờ đợi bảo trì xe hơi đến 4 giờ như trước đây, hiện tại khách hàng chỉ tốn 1 giờ.
Như vậy, việc tăng năng suất lao động ở Toyota Bến Thành chủ yếu từ bước đột phá là tổ chức lại quy trình sản xuất hợp lý hơn, chứ không phải tốn kinh phí đầu tư thay đổi trang thiết bị, công nghệ (trung tâm này chỉ phải đầu tư thêm 10.000 USD mua một số thiết bị bảo trì như xe chuyên dụng, xe chứa dầu thải, bộ dụng cụ cung cấp nước làm mát…).
Phải thừa nhận trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới quản lý, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, cải tiến quy trình sản xuất, huấn luyện nâng cao tay nghề, trình độ kỹ thuật cho công nhân nên năng suất lao động không ngừng được cải thiện.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì năng suất lao động của VN còn thấp hơn nhiều lần. Điển hình như ở ngành dệt may, công nhân VN chỉ có thể đứng được trên chục máy, trong khi đó công nhân một số nước tiên tiến khác đứng được đến 30, 40 máy. Tương tự, năng suất lao động xã hội của VN (tính bằng GDP theo giá trị thực tế chia cho 1 lao động việc làm) cũng khá thấp. Trong đó, các ngành nông, lâm nghiệp thấp nhất.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho năng suất lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp, buôn bán nhỏ… thấp là do số lượng lao động chiếm tỷ trọng lớn nhưng thời gian sử dụng chưa hết và việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới, công tác quản lý còn hạn chế.
Tăng chất lượng lao động
Theo các chuyên gia kinh tế, nâng cao năng suất lao động là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động ở VN thấp thì chất lượng lao động chưa đạt tiêu chuẩn, thiếu kỹ năng chuyên môn là rào cản lớn nhất. Năng suất lao động thấp thì thu nhập thấp và dẫn đến hệ quả khó lường là thị trường lao động phát triển “lệch pha”, biến động, độ dịch chuyển cao.
Tại một hội thảo quốc gia mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lương tối thiểu ở VN thấp hơn các nước 40% nên thu nhập của công nhân lao động không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Tại hội thảo báo cáo cạnh tranh VN năm 2009-2010 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, so sánh các yếu tố để đo năng lực cạnh tranh theo chuẩn quốc tế thì hầu hết các chỉ số của VN đều thấp.
Như vậy, muốn tăng trưởng nhanh thì bên cạnh các giải pháp đầu tư về cơ sở hạ tầng, đầu tư vốn, công nghệ, chúng ta phải ưu tiên cho giải pháp cải thiện năng suất lao động ở nước ta.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng: “Muốn rút ngắn khoảng cách với các nước thì 10 năm tới sẽ là giai đoạn nền kinh tế phải tăng tốc với mục tiêu gắn chất lượng tăng trưởng với tăng nhanh năng suất lao động, lấy tốc độ tăng năng suất lao động là thước đo chính. Năng suất càng cao thì thu nhập càng cao và khi đó quan hệ lao động cũng được cải thiện tốt hơn.
Để nâng cao năng suất lao động, ngoài nỗ lực toàn diện của doanh nghiệp (đổi mới công nghệ, chất lượng hóa lao động, đổi mới phương pháp quản lý) rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền theo tinh thần hướng về DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động hiệu quả”. |
sggp.org.vn |
| |