Theo phản ánh của tập thể CN đình công, từ ngày 21.4 tập thể NLĐ đã có kiến nghị lên BCHCĐ Cty đề nghị CĐ yêu cầu Cty tăng thêm lương cơ bản cho mỗi LĐ là 500.000đ/người/tháng; nghỉ phép không bị trừ tiền chuyên cần; phải có nhà để xe cho CN; CN phải được nghỉ 2 thứ bảy trong một tháng và sẽ không phải làm bù, còn nếu đi làm sẽ được tính theo quy định của pháp luật LĐ (200% lương), nhưng chưa được phía Cty trả lời.
Đến ngày 26.4, tập thể NLĐ lại gửi những kiến nghị trên lên Cty và cho biết, nếu lãnh đạo Cty không trả lời họ sẽ đình công vào sáng 5.5, nhưng lãnh đạo Cty không ngó ngàng. Do vậy, sáng 5.5 tập thể CN trực tiếp SX tại Cty đã đình công đòi quyền lợi. Ngay sau cuộc đình công xảy ra, ông Keishu Seiichi – Tổng Giám đốc Cty - đã ký một văn bản trả lời một số yêu cầu của NLĐ với nội dung như sau:
Theo quy định, Cty sẽ xem xét, tăng lương cho NLĐ mỗi năm một lần vào tháng 4. Tuy nhiên, năm 2010 có sự thay đổi về mức lương tối thiểu áp dụng cho các DN nước ngoài, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Cty đã quyết định tăng lương cho NLĐ vào tháng 1.2010. Cty còn áp dụng thêm trợ cấp làm ca cho CN và tăng trợ cấp trách nhiệm cho CN bậc cao. Kể từ tháng 5.2010, Cty cho phép NLĐ nghỉ việc hiếu hỷ, thai sản theo quy định vẫn được hưởng đầy đủ trợ cấp.
Trước sự việc xảy ra, 14 giờ 30 chiều ngày 5.5, đại diện cơ quan chức năng địa phương gồm: LĐLĐ huyện Mê Linh, Ban quản lý KCN tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo Cty và NLĐ để tìm biện pháp hoà giải, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Theo chị Nguyễn Thị Thắm - CN tổ ASSY - cho biết, Cty thành lập được 4 năm và chị đã làm cho Cty được hơn 2 năm, song lương vẫn chỉ hơn được CN mới vào làm việc 50.000 đồng.
“Với mức thu nhập 1.500.000 đồng/người/tháng thì làm sao chúng tôi có thể trang trải được những chi phí sinh hoạt tối thiểu của một gia đình CN có 2 con đang tuổi ăn học” - chị Thắng nói. Theo quy định của Cty thì hằng năm Cty nâng lương vào tháng 4, nhưng Cty lại không thực hiện đúng như đã cam kết, mà thay vì nâng mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước như các DN khác, Cty lại chỉ tăng 100.000 đồng tiền trợ cấp ca.
Chính vì vậy, CN chẳng có cách nào khác để đòi quyền lợi cho mình là đình công. Được biết, đây là cuộc đình công thứ ba xảy ra tại Cty kể từ khi Cty đi vào hoạt động đến nay. Theo tập thể NLĐ tham gia đình công, nếu Cty không chấp thuận những kiến nghị của họ, họ sẽ tiếp tục đình công.