6/8/2010 10:14:37 AM

Ngày 6/6, tại TP HCM, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010 đã chính thức khai mạc với 450 đại biểu tham dự, gồm lãnh đạo cấp cao các nước trong khu vực, nhiều nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo giới quốc tế.

Phiên họp dưới sự chủ tọa của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới với chủ đề Làm thế nào để châu Á nâng cao vai trò trong phát triển toàn cầu? Trong bối cảnh vị thế kinh tế châu Á ngày càng to lớn, châu Á đang không ngừng tìm kiếm vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, lãnh đạo các nước châu Á cần làm gì để cân bằng được các mối quan ngại cũng như lợi ích và trách nhiệm ngày càng tăng trên trường quốc tế, là câu trả lời được đặt ra trong hội nghị.

Nâng cao mối quan hệ hợp tác

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ những câu hỏi lớn mà các nền kinh tế Đông Á phải nhìn nhận lại các mục tiêu và ưu tiên trong giai đoạn sắp tới ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu để duy trì được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Đó là: Những điều chỉnh gì đối với mô hình hiện tại? Liên kết khu vực cần được thúc đẩy như thế nào để hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế? Đông Á cần có vai trò và trách nhiệm như thế nào đối với các vấn đề chung của thế giới?...

Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bài phát biểu của các Thủ tướng: Samdech Hun Sen (Vương quốc Campuchia), Bouesone Bouphavanh (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào), Thein Sein (Myanmar) và của Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Vương Chí Trân đều nhấn mạnh sự hợp tác trong khu vực để nâng cao tính cạnh tranh của mỗi quốc gia, nhằm đưa Đông Á phát triển mạnh mẽ và năng động, đưa các mối quan hệ hợp tác giữa các nước ngày càng thực chất hơn.

Tiểu vùng Mekong, điểm đến đầy tiềm năng

Tại phiên làm việc với chủ đề Hợp tác trong tiểu vùng Mekong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Mianma Thein Sein và Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã tham dự và có bài phát biểu. Đây là khu vực có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á, một điểm đến đầy tiềm năng và cơ hội đầu tư rộng mở với tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, thủy điện và khai thác khoáng sản…

 

Với những nỗ lực to lớn gần đây của các nước trong việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết và phát triển kinh tế thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa dạng, lưu vực Mekong đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều đối tác phát triển, trong đó có các nền kinh tế lớn của Đông Á như Nhật Bản và các đối tác quan trọng khác như Mỹ và châu Âu. Hội nghị

Cấp cao Mekong - Nhật Bản

lần đầu tiên tại Tokyo tháng 11/2009, sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thành lập

Diễn đàn Hạ lưu Mekong - Hoa Kỳ

, và Cấp cao mở rộng đầu tiên của Ủy hội sông Mekong quốc tế với sự tham gia của Trung Quốc và Myanmar tại Hua Hỉn tháng 4/2010 là những minh chứng sống động cho sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác.

 

Trong khuôn khổ WEF Đông Á 2010, đã diễn ra các phiên họp song song với các chủ đề về quá trình hội nhập, các điều chỉnh kinh tế và tái cân bằng bắt buộc của các nền kinh tế châu Á nói chung, khu vực ASEAN nói riêng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm có bài phát biểu tại phiên họp chủ đề

Đếm ngược tới Hội nhập

. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tham gia tại phiên thảo luận

Tầm nhìn mới cho nông nghiệp ở Đông Nam Á

.

Việt Nam đóng góp an ninh lương thực thế giới

Chiều cùng ngày, đã diễn ra phiên họp toàn thể Châu Á sẽ lãnh đạo như thế nào. Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nền kinh tế thế giới ngày càng mở, toàn cầu hóa kinh tế thế giới là xu thế tất yếu. Quốc gia nào cũng phải xem xét vấn đề trong nước và xuất khẩu, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, lợi thế của mình để cân bằng vấn đề này. Đương nhiên, hướng về xuất khẩu là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Chẳng hạn như Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới và đây vừa là lợi thế của Việt Nam vừa đóng góp vào an ninh lương thực của thế giới. Châu Á là một trụ cột của kinh tế toàn cầu, việc đứng vững, nhanh chóng
hồi phục sẽ đóng góp rất lớn vào bài toán chống khủng hoảng của toàn cầu.

Liên quan đến câu hỏi về vai trò của Chính phủ trong đầu tư hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Hạ tầng đóng vai trò tiền đề trong sự phát triển của quốc gia và khu vực. Vấn đề là phải giải quyết hai “nút thắt” là nguồn lực từ đâu (ngân sách quốc gia, tư nhân, vay nước ngoài…) và các Chính phủ phải có những cơ chế để đảm bảo sự hài hòa này (phát triển nhiều mô hình PPP, BOT, BT…). Riêng ở Việt Nam với thu nhập GDP đầu người có hơn 1.000 USD, thì càng cần phải tính kỹ bài toán này, đa dạng hóa nguồn vốn phát triển là chủ trương đã có từ lâu.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam làm hết sức mình để góp phần vào sự phát triển chung

Tối 6/6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mở tiệc chiêu đãi lãnh đạo các nước và các đại biểu tham dự Hội nghị WEF Đông Á 2010. Dự tiệc chiêu đãi có Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Myanmar Thein Sein, Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Vương Chí Trân, Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Cùng dự về phía nước chủ nhà có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và lãnh đạo TP HCM.

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng với việc Hội nghị WEF Đông Á 2010 diễn ra tại TP HCM, Việt Nam. Đặc biệt với sự tham dự của đông đảo đại biểu từ khắp nơi trên thế giới cho thấy sự quan tâm của thế giới tới Châu Á, Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam quyết tâm hội nhập kinh tế thế giới và sẽ làm hết sức mình để phát triển đất nước, góp phần cho sự phát triển chung của khu vực Đông Á và Châu Á.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, trong phát triển kinh tế luôn quan tâm đến các vấn đề văn hoá xã hội, phát triển con người, vấn đề môi trường... Bởi lẽ, đó là những vấn đề mang tính nền tảng,  đảm bảo phát triển bền vững và ổn định. (TTXVN)

Báo Đất Việt  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.