Ông Đỗ Thức, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định như trên tại buổi họp báo sáng nay về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm.
Khu vực nông lâm và thủy sản tăng 3,31%, đóng góp 0,59% vào mức tăng GDP cả nước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,5% đóng góp 2,63%; khu vực dịch vụ tăng 7,05% đóng góp 2,94%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2009. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, trong đó sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 89,6% và tăng 14,7%. Ngành sản xuất và phân phối điện nước tăng 15,7%, duy có ngành công nghiệp khai thác giảm 4%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7%, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kim ngạch tăng cao. Cơ cấu xuất khẩu có sự thay đổi tích cực với việc tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, tỷ trọng hàng nông lâm giảm nhẹ.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 38,9 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 22,7 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,2 tỷ USD. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất chiếm 81,5% tổng kim ngạch.
Nhập siêu 6 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó đáng lưu ý là nhập siêu từ Trung Quốc lên tới trên 6 tỷ USD. Nếu không tính xuất khẩu vàng và sản phẩm của vàng thì nhập siêu 6 tháng đầu năm đạt 8,1 tỷ, bằng 26,2% kim ngạch xuất khẩu.
Ông Đỗ Thức cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm có xu hướng quý sau cao hơn quý trước cho thấy triển vọng khả quan của nền kinh tế. Ngoài ra, mức tăng bình quân tháng của chỉ số giá tiêu dùng trong quý 2 đã giảm xuống còn 0,21%, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân tháng là 1,35% trong quý 1 là dấu hiệu tốt về sự ổn định kinh tế trong thời gian tới. "Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 6,5%- 6,8% cho cả năm", ông Thức nhận định.