Theo ông Minh, vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung có nhiều lợi thế nổi trội để đầu tư phát triển. Đặc biệt, từ khi Chính phủ quy hoạch, vùng KTTĐ miền Trung đã trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của vùng Mê Kông cũng như khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, là khu vực kinh tế động lực tại miền Trung Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho miền Trung và Tây nguyên.
Ông Minh cho rằng: Là một trong 5 tỉnh, thành thuộc vùng KTTĐ miền Trung, Đà Nẵng được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá khoa học và công nghệ của miền Trung và của cả nước; là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây nguyên. Vì vậy, nhận thức rõ xu hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá để khai thác tốt tiềm năng và phát huy lợi thế so sánh của mình.
Ông Minh cũng cho biết, trong những năm qua, nhiều dự án lớn đã và đang được thực hiện trên địa bàn Tp Đà Nẵng và đã tạo thuận lợi về giao thông, lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại. Ngoài 6 khu công nghiệp hiện có với tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 60%, Tp đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Công nghệ thông tin với diện tích 131 ha và đang xin phê duyệt của Chính phủ về dự án xây dựng Khu công nghệ cao với diện tích 1.010 ha. Hàng loạt các công trình thương mại- dịch vụ cao tầng, các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế đã và đang được xây dựng tại Tp. Hạ tầng công nghệ thông tin- truyền thông được đầu tư hiện đại, đáp ứng cao nhu cầu đầu tư.
Ông Minh bộc bạch: Cuối tháng 4 vừa qua, Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với tập đoàn CISCO về việc xây dựng Đà Nẵng trở thành "Thành phố thông minh". Năm 2009, Đà Nẵng được Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin bình chọn là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông. "Diện mạo của một đô thị hiện đại, văn minh đang dần được hình thành, khẳng định vị thế của Đà Nẵng là một trong những đô thị trung tâm cấp quốc gia. Vai trò thành phố động lực, trung tâm thương mại, tài chính, giao dịch quốc tế của Tp Đà Nẵng ngày càng nổi bật"- ông Minh khẳng định.
Về năng lực cạnh tranh, ông Minh cho biết: Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ năm 2005 đến nay, Tp Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất. Đặc biệt, Tp đã vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh trong hai năm liên tiếp 2008 và 2009. Theo ông Minh, đến cuối năm 2009, Đà Nẵng có 11.800 doanh nghiệp dân doanh với tổng vốn đăng ký 28,5 ngàn tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2010, có 177 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 2,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,3 tỷ USD. Nguồn vốn này đã có sự đóng góp lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ khá đồng bộ, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Về mục tiêu chiến lược và tầm nhìn của Đà Nẵng đến năm 2020, ông Minh cho biết: Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước có cơ cấu kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, đồng thời là hạt nhân gắn kết các địa phương trong khu vực để cùng phát triển. "Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng tập trung phát triển hai lĩnh vực kinh tế mũi nhọn là du lịch và công nghiệp công nghệ thông tin; khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ như hậu cần cảng biển và sân bay, vận tải và giao nhận hàng hóa, tài chính- ngân hàng, y tế, giáo dục, thương mại, bất động sản... Đà Nẵng mời gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của thành phố".
Ngoài những thông tin trên, ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng chia sẽ: Trong những năm qua, bên cạnh việc phát huy nội lực, Tp Đà Nẵng đã có những động thái tích cực trong việc liên kết kinh tế với các tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây nguyên nói chung và các tỉnh thuộc vùng KTTĐ miền Trung nói riêng, thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng giao thông như tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Dung Quất, tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây 2 kết nối Đà Nẵng- Bangkok qua cửa khẩu Đắc Ốc (Quảng Nam), Sêkông-Pắc xế (Lào)- Chongmek Nakhon (Thái Lan), tuyến đường ven biển Đà Nẵng- Hội An; kết nối phát triển du lịch giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên- Huế...; hợp tác phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ thông qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm, hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư...
Trên cơ sở những lợi thế và tiềm năng của Đà Nẵng nói riêng và vùng KTTĐ miền Trung nói chung, ông Trần Văn Minh cho rằng ông rất tin tưởng và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, đến tìm hiểu cụ thể và quyết định đầu tư, kinh doanh tại các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ miền Trung (trong đó có Đà Nẵng). Ông Minh khẳng định: "Cũng như các địa phương bạn trong khu vực, Đà Nẵng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai các dự án, tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, năng động và có sức cạnh tranh cao nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp đang hoạt động và các nhà đầu tư tiềm năng"./.