Đó là kiến nghị của nhóm các chuyên gia kinh tế góp ý cho báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2006-2010 đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu báo cáo này, chuyên gia cao cấp Nguyễn Bửu Quyền cho rằng ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp làm gia tăng số người mắc bệnh và ô nhiễm tài nguyên nước. “Việc xả thải chất thải công nghiệp đã làm cho nhiều nguồn nước không còn sử dụng được, làm cho môi trường xuống cấp nhanh chóng. Do vậy đã đến lúc Việt Nam cần đưa chỉ tiêu tổn thất môi trường vào đánh giá để hạch toán hiệu quả trong quá trình phát triển. Cần được thống kê và tính toán GDP xanh” - ông Quyền nhấn mạnh.
Theo báo cáo, đến năm 2010, tỉ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom là 85% nhưng lại bất cập về phương pháp xử lý, đặc biệt là chất thải y tế. Ngoài ra, việc thu gom, xử lý chất thải nói chung chủ yếu tập trung tại các bãi rác hoặc chôn lấp sơ sài gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, đất và không khí. Lượng chất thải rắn từ các khu công nghiệp hiện nay từ 25.000 đến 30.000 tấn/ngày đêm. Trong đó, lượng rác thải công nghiệp khoảng 20%, còn lại 80% từ ba vùng kinh tế trọng điểm.
Tỉ lệ các cơ sở ô nhiễm môi trường đã xử lý triệt để khoảng 70%. “Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là việc xử lý nước thải trong các khu công nghiệp. Theo ước tính mỗi khu công nghiệp có quy mô 100-400 ha hằng ngày thải ra môi trường 3.000-5.000 m3 nước thải. Trong 154 khu công nghiệp được điều tra chỉ có 39 khu đã có trạm xử lý nước thải tập trung, 27 khu công nghiệp đang xây dựng, 27 khu mới có kế hoạch. Còn lại 61 khu công nghiệp chưa có kế hoạch triển khai việc xử lý nước thải tập trung” - ông Quyền nói.