Chị Hằng - một trong những tiểu thương buôn bán thịt ở chợ Thành Công gần 30 năm qua cho biết chưa bao giờ thịt lợn lại khan hiếm như vậy. Đặc biệt đối với một đất nước như Việt Nam có phong tục tập quán dùng sản phẩm thịt lợn là nguồn thực phẩm chính trong các bữa ăn hàng ngày.
Cháy hàng và tăng giá
Theo các DN trong lĩnh vực chăn nuôi, từ tháng 2-3/2011, dịch lở mồm long móng và bệnh tai xanh lan tràn gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi. Các DN Trung Quốc tăng thu mua lợn. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu như: thức ăn chăn nuôi, điện, nước tăng... khiến cho người nông dân không còn mặn mà với nuôi lợn. Chỉ còn một số trang trại lớn kiểm soát tốt dịch bệnh mới giữ được đàn lợn.
Nhiều năm trước giá lợn hơi miền Bắc rẻ hơn miền Nam từ 4.000-6.000 đồng/kg nay ngược lại. Một số công ty chuyên cung ứng thịt ra thị trường như Dabaco, CP cũng cháy hàng và tăng giá.
Hệ lụy dây chuyền
Với nguồn nguyên liệu chính là thịt lợn, mà phải là thịt lợn sạch, an toàn, nay nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt thì đương nhiên các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn đến tay người tiêu dùng không tránh khỏi tăng giá.
Dạo quanh một vòng các công ty chế biến thực phẩm sản xuất xúc xích, thịt hộp thì từ đầu năm 2011 đến nay các sản phẩm đã phải tăng giá để bù đắp một phần việc giá thịt tăng quá cao như : Thực phẩm Đức Việt tăng 15%, Le Gourment tăng 15%, Vissan tăng 20%... dù trong thâm tâm các nhà sản xuất không hề muốn vì có thể ảnh hưởng đến khách hàng. Nhưng nếu không làm vậy thì các nhà máy chỉ còn nước ngừng hoạt động, một DN trong ngành chế biến cho biết.
Có một thực tế là hiện nay nhiều Cty chế biến chỉ còn hoạt động cầm chừng từ 3-4 ngày/tuần để duy trì sản xuất lấy chi phí trả lương cho công nhân, chấp nhận bù lỗ một phần nào đó để chờ đợi giá thịt lợn sẽ giảm và ổn định trong một tương lai gần - vị DN này cho hay.
Ông Hứa Xuân Sinh - Tổng Giám đốc Cty CP thực phẩm Đức Việt nhận định trong vòng gần 10 năm trở lại đây chưa khi nào thịt lợn có một đợt tăng giá mạnh và trở nên khan hiếm đắt đỏ như thời điểm hiện nay.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, đến thời điểm này bộ chưa đưa ra một chỉ tiêu nào về nhập khẩu thịt lợn trong năm 2011 và các năm tới đây vì sản xuất và cung ứng thịt lợn trong nước hiện đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Được biết tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước năm nay đối với thịt lợn khoảng 3,3 triệu tấn.
Ông Biên nói thêm, hiện dịch tai xanh đang có dấu hiệu bùng phát ở một số địa phương, người chăn nuôi do nghe tin đồn của các thương lái đã hốt hoảng bán vội, làm tăng thêm lo ngại về thiếu hụt nguồn thịt.
Tuy nhiên, theo ông Hứa Xuân Sinh - Tổng Giám đốc Cty CP thực phẩm Đức Việt nhận định: trong vòng gần 10 năm trở lại đây chưa khi nào thịt lợn có một đợt tăng giá mạnh và trở nên khan hiếm đắt đỏ như thời điểm hiện nay.
Ông Sinh cho rằng, Bộ Công Thương nên linh hoạt cho phép DN nhập khẩu thịt lợn theo số lượng và thời gian cụ thể để giảm căng thẳng nguồn cung. Bởi hiện do thịt lợn tăng giá quá cao, cung không đủ cầu nên dẫn đến tình trạng DN chế biến phải mua giá thịt lợn trong nước cao hơn 20% so với giá nhập khẩu. Còn về lâu dài, khi giá và nguồn cung thịt lợn trong nước ổn định, bộ sẽ xem xét tình hình cụ thể để điều hành.