Lao động phổ thông: vừa yếu vừa thiếu
Tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM trong giai đoạn mới” diễn ra ngày hôm -6, nhiều khách tham dự đã giật mình trước con số thống kê về chất lượng lao động trong các KCX-KCN.
Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), trong 14 KCX-KCN của thành phố có hơn 252.500 lao động làm việc tại 1.034 doanh nghiệp. Nhưng một nửa số lao động này chỉ có trình độ tiểu học và trung học cơ sở; nếu tính cả số lao động có trình độ trung học phổ thông thì tỷ lệ này lên tới 84%, tức hơn 213.000 người.
Chất lượng lao động như vậy cho thấy, doanh nghiệp trong các KCX-KCN của thành phố hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, chỉ cần công nhân trình độ học vấn thấp.
Ông Định thừa nhận do nhu cầu giải quyết việc làm trong những năm đầu thành lập KCX-KCN nên những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản … chiếm tỉ trọng tương đối cao trong thành phần doanh nghiệp ở các KCX-KCN và hoạt động đến ngày hôm nay. Một nguyên nhân khác, theo ông Định, là do đào tạo của các trường chưa phù hợp chuyên môn, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp nên doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông để tự đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng theo nhu cầu.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong các KCX-KCN đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động phổ thông trầm trọng. Nhiều năm qua, phần lớn nguồn lao động phổ thông làm việc tại TPHCM đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước và những năm gần đây hầu hết các tỉnh này đều mở KCN, khu kinh tế… nên người lao động có xu hướng trở về địa phương làm việc vừa được gần nhà, vừa không tốn tiền thuê chỗ ở.
Thu nhập của người lao động tại các KCX-KCN đã không còn hấp dẫn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng khan hiếm lao động và hiện tượng nhảy việc: người lao động tự ý bỏ việc, hoặc chuyển từ công ty này sang công ty khác có khi chỉ do chênh lệch vài trăm ngàn đồng tiền lương.
Theo báo cáo của Hepza, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có đến 30.000 lao động đang làm việc trong các KCX-KCN thành phố nhảy việc từ công ty này qua công ty khác, gây khó khăn cho doanh nghiệp vì sản xuất không ổn định và phải đào tạo lại người lao động khi tuyển lao động mới.
Ông Định cho rằng, để khắc phục phần nào tình trạng thiếu lao động phổ thông và hạn chế tình trạng nhảy việc, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề lương; mặc dù một số doanh nghiệp đã trả mức lương cao hơn quy định nhưng đời sống của người lao động vẫn chưa được cải thiện do vật giá tăng nhanh. Mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước quá thấp cũng là nguyên nhân.
Tuy nhiên, tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Tổng hợp Công ty MTEX Vietnam, KCX Tân Thuận, cho rằng doanh nghiệp khó có thể tăng lương cho người lao động do giá trị làm gia công ngày càng giảm. Nhưng nếu không giải quyết được vấn đề thu nhập thì bài toán thiếu lao động sẽ tiếp tục căng thẳng.
Lao động có tay nghề: thiếu liên kết đào tạo
Không chỉ thiếu lao động phổ thông, các ngành nghề đòi hỏi tay nghề, hoặc mang tính chất kỹ thuật như công nghệ thông tin, thiết kế, điện tử, dược phẩm, hóa chất… cũng đang bị thiếu lao động trầm trọng.
Theo các doanh nghiệp, vấn đề hiện nay là giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa có sự liên kết sâu để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; rất ít doanh nghiệp chịu đưa ra nhu cầu thực tế của mình mà chỉ khi nào cần mới tuyển dụng, không có chiến lược dài hạn.
Tại hội thảo, đại diện Hepza và một số trường đại học và trường dạy nghề cũng thừa nhận giữa việc đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp còn khoảng cách quá xa. Phần lớn các trường đào tạo theo chương trình sẵn có, không theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội, làm cho sinh viên ra trường bị hụt hẫng với các máy móc và công nghệ mới tại doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ hết sức lo ngại do không tuyển được nhân lực có tay nghề. Theo đại diện các doanh nghiệp, sự chuẩn bị về nguồn nhân lực của TPHCM là quá yếu và là điều đáng báo động trong bối cảnh TPHCM đang cố gắng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, ưu tiên các ngành nghề ít thâm dụng lao động và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Tại hội thảo, lãnh đạo Hepza, các trường đại học và doanh nghiệp thống nhất cần đẩy mạnh việc kết nối giữa doanh nghiệp và trường học, từ đó đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng thì chiến lược chuyển đổi cơ cấu công nghiệp ấy mới có cơ may thực hiện được.
Những thành công tiêu biểu
Trong thực tế, do nhu cầu nhân lực, một số doanh nghiệp và nhà trường đã tự tìm đến nhau và hình thành các mối quan hệ hợp tác; tiêu biểu là trường hợp Công ty Renesas Việt Nam hợp tác với các trường đại học kỹ thuật và trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Phú Lâm hợp tác với Công ty Toyota Việt Nam. Kinh nghiệm của các đơn vị này cần được xem xét và nhân rộng, nhằm giải quyết phần nào bài toán nhân lực cho các doanh nghiệp trong các KCX-KCN TPHCM.
* Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực thiết kế hệ thống vi mạch bán dẫn tại Việt Nam có nhà máy tại KCX Tân Thuận, Công ty Renesas Việt Nam rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động kỹ thuật, nhất là tuyển được các sinh viên có chuyên môn đúng ngành nghề của công ty.
Theo bà Hồ Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng nhân sự của công ty Renesas Việt Nam, thiết kế vi mạch trong IC (mạch tích hợp) và biên soạn các phần mềm chuyên dụng để cài đặt cho IC là những lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam. Do đó, ngay từ đầu thành lập, công ty đã tiếp xúc với các trường đại học kỹ thuật ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cân Thơ… để tìm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động, đến nay việc tuyển dụng vẫn rất khó khăn, thông thường công ty chỉ chọn được 10-15% trong số hồ sơ xin việc gửi đến. “Hạn chế lớn nhất của sinh viên mới ra trường hiện nay là không có chuyên môn sâu và ngoại ngữ thì yếu”, bà Hà nói. Những kỹ sư trúng tuyển còn phải được đào tạo lại là từ ba đến sáu tháng mới có thể làm được việc. Thế nhưng, đào tạo xong, sinh viên còn bỏ Renesas ra đi khi có lời mời tốt hơn từ các công ty hoạt động lĩnh vực công nghệ khác.
Từ thực tế đó bà Hà cho rằng, để tuyển dụng được nguồn nhân sự tốt, thì điều quan trọng là giữa doanh nghiệp và trường học cần phải có sự gắn kết. Để có được gần 600 kỹ sư đang làm việc tại công ty hiện nay, Renesas phải hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, cung cấp phòng thí nghiệm cho các trường để sinh viên thực tập, mời các chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn cho giáo viên cũng như giảng dạy sinh viên những kỹ thuật mới của công ty.
* Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Phú Lâm là một trong những trường được Công ty Toyota Việt Nam chọn hỗ trợ dạy nghề chuyên ngành ô tô, đào tạo kỹ thuật viên lành nghề. Từ sự hỗ trợ này, trường Phú Lâm đã đầu tư xây dựng một xưởng thực hành chuyên ngành sửa chữa thân vỏ và sơn xe ô tô trong khuôn viên trường và chính thức đưa vào sử dụng vào tháng 2-20110.
Toyota Việt Nam còn giúp huấn luyện kỹ thuật cho hai giáo viên của trường nhằm nâng cao tay nghề phục vụ cho việc giảng dạy và học sinh sau khi học xong sẽ được thực tập tại Totoya Việt Nam, được phía công ty tiếp nhận làm việc.
Theo ông Trương Văn Hùng, Phó hiệu trưởng, từ sự hợp tác này trường Phú Lâm có thể cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô, đồng thời có thể mạnh dạn nhận các đơn đặt hàng về sửa chữa thân vỏ và sơn xe từ bên ngoài, đáp ứng mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội.