Như đã thông tin, nhà thầu EPC (Trung Quốc) thực hiện dự án sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (TP Hải Phòng) đã bị phạt 6 triệu USD do vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng. Nguyên nhân là do thi công dự án nhà máy sản xuất phân bón chậm tiến độ, sản phẩm phân bón làm ra không đạt tiêu chuẩn. Hàm lượng dinh dưỡng của Nhà máy DAP Đình Vũ theo hợp đồng là 64%. Tuy nhiên, kết quả hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm chỉ ở mức 60%-61%.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về việc nhà thầu EPC DAP Đình Vũ bị phạt 6 triệu USD?
+ Ông Phùng Hà (ảnh), Cục trưởng cục Hóa chất, Bộ Công Thương: EPC Trung Quốc bị phạt ba lỗi chính. Thứ nhất, hàm lượng dinh dưỡng của đạm và lân không đạt tỉ lệ 64% theo tiêu chuẩn 1846 như thiết kế ban đầu; chỉ tiêu tiêu hao dầu không đạt như thiết kế và tiếp đến là chậm tiến độ.
Đây là dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, Nhà máy DAP Đình Vũ chính thức công bố sản phẩm đầu tiên từ ngày 11-4-2009 nhưng từ đó đến nay nhà máy vẫn trong tình trạng sản xuất chưa đạt công suất thiết kế. Về việc nghiệm thu và bàn giao nhà máy giữa các nhà thầu chính Trung Quốc, các nhà thầu phụ và chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gặp rất nhiều khó khăn do dự án triển khai trong thời gian dài và nhà thầu EPC bị lỗ (do giá vật liệu và thiết bị biến động).
. Về lỗi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, Cục Hóa chất có biết không, thưa ông?
+ Thực ra, vấn đề này đã được Vinachem đưa ra tại hội nghị giao ban ngành công thương từ tháng 2. Thậm chí dự án này đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo sát để tiến hành nghiệm thu. Trong đó, để đi đến biên bản phạt nhà thầu thì chủ đầu tư và nhà thầu EPC đã đàm phán với nhau cả tháng để thống nhất. Tại các buổi đàm phán đó, Cục Hóa chất đã cử cán bộ tham dự với tư cách là quan sát viên.
. Cục Hóa chất có biết nguyên nhân cụ thể để tham mưu cho Bộ Công Thương hướng giải quyết không?
+ Hiện tại chưa có kết luận chính thức nguyên nhân. Nhưng việc hàm lượng dinh dưỡng không đạt chỉ tiêu thì nhà thầu nói do chất lượng quặng của ta kém (chủ yếu lấy từ quặng apatit Lào Cai), quặng lúc đem thử thì đạt tỉ lệ dinh dưỡng cho sản phẩm 64% nhưng quặng cho sản xuất thì do khai thác đại trà, chất lượng có thấp hơn (đạt 60%-61%).
. Nếu nhà máy không công bố thành phần trên bao bì thì nông dân làm sao biết và chọn loại phân bón có hàm lượng thích hợp, thưa ông?
+ Tất nhiên DAP Đình Vũ sẽ phải công bố hàm lượng thực tế trên bao bì sản phẩm. Trong thông tư về sản xuất và kinh doanh phân bón có quy định phân bón DAP phải đạt hàm lượng dinh dưỡng 64% mới được lưu hành trên thị trường. Thời gian tới cục sẽ có văn bản tham mưu cho Bộ Công Thương để sửa thông tư sẽ điều chỉnh tỉ lệ này xuống 61%.
. Một số thông tin cho rằng thực tế nhà máy chỉ chạy 40% công suất thiết kế, vậy sau khi nghiệm thu thì liệu nhà máy có chạy được đúng công suất thiết kế không?
+ Năm ngoái nhà máy chạy được 150.000 tấn, gần 50% công suất thiết kế nhưng vì đó là chưa nghiệm thu. Bây giờ họ vừa chạy vừa điều chỉnh. Ở đây phải phân biệt rõ chưa chạy hết công suất khác với không đạt công suất thiết kế. Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ có văn bản chỉ đạo các bên liên quan rút kinh nghiệm.
. Xin cảm ơn ông.
Ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã ký công văn yêu cầu Tập đoàn Hóa chất VN khẩn trương triển khai các thủ tục để nghiệm thu gói thầu EPC của dự án DAP Hải Phòng; thực hiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng DAP theo quy định về sản xuất kinh doanh; tích cực tìm biện pháp khăc phục các tồn tại về công suất. định múc tiêu hao nguyên liệu nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài của dự án. Trước đó, ngày 29-7, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho dự án được nghiệm thu có điều kiện để bàn giao cho chủ đầu tư là Vinachem. Hiện các bên đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để việc nghiệm thu và bàn giao được tiến hành sớm nhất.
TR.P
Dự án Nhà máy DAP số 1 (phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng) được khởi công từ năm 2003, vốn đầu tư hơn 170 triệu USD, công suất 330.000 tấn/năm. Thực tế sau khi ký hợp đồng tài trợ vốn (tháng 12-2005), các ngân hàng không thu xếp đủ vốn nên phải chờ Bộ Tài chính có ý kiến hỗ trợ, tháng 10-2006 dự án mới được triển khai. Ngoài ra khi đấu thầu quốc tế phải đàm phán nhiều lần và khi triển khai giá thiết bị biến động nên dự án có chậm.
Từ tháng 4-2009, dự án đã cho ra sản phẩm đầu tiên và kết thúc năm 2009 đã sản xuất được 60.000 tấn DAP. Năm 2010, đã sản xuất được 150.000 tấn, doanh thu trên 2.000 tỉ đồng, bắt đầu trả nợ ngân hàng. Hết tháng 7, nhà máy đã sản xuất được 150.000 tấn sản phẩm, đạt doanh thu trên 2.000 tỉ đồng. Đến nay nhà máy đã trả được hơn 400 tỉ đồng vốn vay đầu tư.
Hiện toàn bộ 19 gói thầu đã thi công xong, đang nghiệm thu, dự kiến cuối tháng 8 sẽ bàn giao. Sau khi bàn giao, nhà thầu phải bảo hành hai năm.
Ông HOÀNG VĂN LIỄU, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên DAP - Vinachem
|