Mới đây Hiệp hội Điều Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương, phàn nàn là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các hãng tàu biển thu phí vận chuyển container một cách chưa minh bạch và thiếu hợp lý, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bao gồm ngành điều.
Khó khăn cho doanh nghiệp là họ phải chịu 2 loại phí: phí mới và phí cũ tăng giá. Với phí mới như phụ phí xăng dầu (EBS) áp dụng từ tháng 5 cho việc vận chuyển conatiner loại 20 feet là 50 USD, loại 40 feet thì gấp đôi. Phụ phí đảm bảo container (EMS) áp dụng từ tháng 7 cũng bằng mức giá với EBS.
Đặc biệt việc thu EMS, trước đây các hãng tàu tm thu tiền cước container trước khi giao lệnh lấy hàng cho nhà nhập khẩu, mức thu khoảng 600.000 đến một triệu đồng một container 20 feet. Sau khi lấy hàng xong trả container rỗng lại cho hãng tàu. nếu container không bị lỗi hay hư hỏng doanh nghiệp sẽ nhận lại tiền cược này. "Còn hiện nay, các hãng tàu thu của nhà nhập khẩu mà không trả lại", đại diện Hiệp hội Điều cho biết.
Theo bảng thống kê chi phí vận chuyển container của Hiệp hội Điều, phí mới EBS, EMS hay phí truyền dữ liệu (Telex)... được đa số các hãng tàu: Maesk, CMA CGM, ANL & DELMAS, Hapag-Lloyd, Saigon ship,… thu.
Từ tháng 6, có hãng còn thu thêm của các doanh nghiệp nhập khẩu phí chuyển vỏ rỗng container (CISD) với mức phí 30 USD một container 20-40 feet do việc đảm bảo tải trọng trong các chuyến hàng 2 chiều của hãng yếu kém. Cụ thể theo Hiệp hội Điều, hãng PIL Vietnam đã thu phí này. "Đây là loại phí vô lý, hãng tàu không thể đẩy gánh nặng lên vai khách hàng được", đại diện Hiệp hội Điều khẳng định.
Bên cạnh việc thu phí mới, các hãng tàu biển còn tăng mức thu phí cũ. Điển hình là phí chứng từ (D/O), phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) đều đồng loạt tăng 15-20% so với cùng kỳ năm trước như: D/O là 33 USD, THC 120 USD.
Trước những khúc mắc nêu trên, Hiệp hội Điều đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Khoảng tháng 5, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam đồng loạt lên tiếng về việc bị các chủ tàu nước ngoài áp phí vô lý. Cụ thể, do bị động về phương tiện vận chuyển, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chấp nhận bị chủ tàu nước ngoài áp thêm ít nhất 10 khoản phụ phí bên cạnh cước vận tải, gồm phí dịch vụ container, phí cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh, phí sửa chữa vỏ container và phí làm lạnh, phí thủ tục, hóa đơn, kho bãi, cầu đường... |