|
|
Loạn ưu đãi đầu tư |
8/26/2011 9:06:30 PM
Các khu công nghiệp cần được bổ sung trở lại vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đề xuất cùng Bộ Tài chính xây dựng danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư, giữa lúc các nhà đầu tư liên tục đưa ra các đề xuất “vượt khung” về ưu đãi.
Ưu đãi thuế chưa đến được nơi cần đến
Theo quy định hiện hành, chỉ có một số lĩnh vực sau được hưởng thuế suất ưu đãi ở mức cao nhất gồm: (i) công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (ii) đầu tư phát triển nhà máy nước, điện, hệ thống cấp thoát nước, cầu, đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, sân bay, nhà ga và một số công trình hạ tầng khác và (iii) sản xuất sản phẩm phần mềm.
Nhưng theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các lĩnh vực ưu đãi đầu tư chưa bao quát hết được các lĩnh vực mà Việt Nam đang tập trung khuyến khích đầu tư, chẳng hạn như công nghiệp hỗ trợ, phát triển nông nghiệp và nông thôn…
Chính vì vậy, một số văn bản mới đây liên quan đến các lĩnh vực này đã đưa ra các ưu đãi mới, dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp khi muốn áp dụng.
Trong khi đó, các mức ưu đãi hiện hành chưa quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện được hưởng ưu đãi (như quy mô vốn, sản phẩm, công nghệ áp dụng…), dẫn đến việc ưu đãi chưa đến được các loại dự án thực sự cần được khuyến khích.
Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đã đến lúc cần rà soát và thống nhất lại về các chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó làm rõ định hướng thu hút đầu tư vào từng ngành nghề với các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.
Đua nhau khuyến khích đầu tư
Điều đáng nói là hiện nay đang có quá nhiều danh mục lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư. Theo thống kê của các chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có tới 7 danh mục loại này và danh mục nào cũng đang… có hiệu lực!
Luật đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và Chính phủ trình ra Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các bộ ngành lại soạn thảo các nghị định hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực của mình một cách “độc lập”, nên đã dẫn tới tình trạng này.
Tình trạng này đã khiến cho hệ thống pháp luật về ưu đãi đầu tư hiện nay trở nên thiếu đồng bộ, gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng và làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Một trong những trường hợp điển hình là ưu đãi đối với dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao (gọi chung là khu công nghiệp).
Theo quy định trong Nghị định 108/2006/NĐ-CP và Nghị định 29/2008/NĐ-CP ban hành năm 2008 thì các khu trên được hưởng mức ưu đãi đầu tư áp dụng cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành về thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp này hiện nay lại không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo địa bàn khó khăn.
Tương tự, các doanh nghiệp cũng không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo địa bàn khó khăn do nghị định 87/2010/NĐ-CP ban hành năm 2010 không cho phép áp dụng điều này.
Hệ lụy của việc chính sách thuế không thống nhất là không định hướng được các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, gây lãng phí lớn về nguồn lực cũng như “làm khó” các địa phương và doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đến lúc cần ban hành một nghị định về danh mục lĩnh vực và địa bàn đầu tư để áp dụng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư chung, trong đó có các ưu đãi về thuế.
Đồng thời, các khu công nghiệp cần được bổ sung trở lại vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Hiện tại, về cơ bản Bộ Tài chính đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư đang được các cơ quan này cùng phối hợp soạn thảo để trình duyệt trong thời gian tới. |
VnEconomy |
| |