|
|
Khan hiếm lao động - một tín hiệu tốt?
|
4/25/2009 11:40:00 AM
Cty TNHH Ching Luh (sản xuất giày, vốn đầu tư Đài Loan, KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức) suốt 2 tháng qua liên tục phát thông báo tuyển dụng lao động với nội dung: Cần tuyển 2.000 CN, lương từ 1,3 đến 1,4 triệu đồng/tháng, có xe đưa rước, có ăn giữa ca. Theo những người có trách nhiệm của Cty, lượng CN nộp hồ sơ đăng ký không nhiều, chỉ đủ bù đắp cho số CN xin thôi việc (Ching Luh đang có gần 20 ngàn CN), vì vậy mà nhu cầu tuyển dụng mới 2.000 CN suốt mấy tháng qua vẫn còn giữ nguyên.
Cty CP dệt Long An (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) vừa mới mở cửa trở lại sau 3 năm ngừng hoạt động. Nhu cầu lao động của Cty là gần 1.000, thế nhưng sau 3 tháng tuyển dụng hiện mới thu được khoảng 300 CN, trong đó phần nhiều từng làm việc ở đây.
Theo lãnh đạo Cty, dù mức thu nhập ở đây khá hấp dẫn, không thua kém các DN khác cùng ngành nghề, nhưng vẫn rất khó tuyển dụng lao động, nhất là ngoài vùng bán kính 5km tính từ Cty.
Cty CP chế biến hàng XK (Lafooco, phường 6, thị xã Tân An) cũng đang bị tình trạng "chảy máu" lao động dù CN của Cty vốn đã gắn bó hàng chục năm. Cty CP XNK thuỷ sản Long An cũng chịu chung số phận, CN cũ thì "nhảy" đi nơi khác, CN mới lại khó tuyển dụng, nên luôn chịu cảnh việc chờ người...
Đó là bức tranh chung của tình hình lao động phổ thông trong các DN trên địa bàn Long An. Chỉ những DN có mặt bằng thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở lên mới không chịu biến động lực lượng lao động và dễ tuyển dụng khi có nhu cầu.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự ra đời dồn dập các khu, cụm CN ở Long An làm cho nhu cầu tuyển dụng lao động luôn "nóng". Bên cạnh đó, những thông báo tuyển dụng khá hấp dẫn ở các địa phương lân cận như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai luôn lôi kéo sự quan tâm của người lao động Long An.
Thứ hai, sự trỗi dậy của các làng nghề trong thời gian gần đây đã giữ chân rất nhiều lao động trẻ ở lại địa phương, làm cho nguồn cung về các khu CN bị ảnh hưởng. Nhiều làng nghề đang "ngốn" hàng ngàn lao động như nghề xe nhang, nghề dệt chiếu, nghề đan lục bình, nghề tách nhân hạt điều...
Lao động nông nghiệp cũng đang cạnh tranh với lao động công nghiệp. Mức thu nhập của những "thợ cày, thợ cấy" hiện hoàn toàn không thua kém những "thợ dệt, thợ máy". Tuy phải "một sương, hai nắng", nhưng bù lại lao động trên đồng ruộng được ở gần nhà, ít chi phí, nên "mần ruộng" hiện là sự lựa chọn của không ít thanh niên nam nữ.
Theo các nhà chuyên môn, việc cạnh tranh và khan hiếm lao động đang gây khó khăn cho nhiều DN, nhưng lại là tín hiệu đáng mừng cho thị trường lao động địa phương, nhất là trong điều kiện kinh tế đang "giảm phát".
Có thể nói, ở Long An đã qua rồi thời kỳ "lợi thế lao động rẻ", bây giờ các DN phải quan tâm đầu tư cho lực lượng lao động thì mới mong giữ sự ổn định sản xuất. Bên cạnh chế độ tiền lương, các chính sách xã hội, chế độ bảo hiểm, đời sống tinh thần... luôn được người lao động quan tâm tìm hiểu trước khi nộp đơn xin việc. Nhiều DN cũng đang đầu tư các trường đào tạo nghề để chủ động đầu vào lực lượng lao động. |
Lao Động |
| |