Nghị định 95/2011/NĐ-CP quy định phạt từ 300-500 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ; Thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép; Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước…trong khi tại Nghị định 202/2004/NĐ-CP, các hành vi trên chỉ bị phạt từ 45-70 đồng.
Các hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật... trước đây chưa được quy định thì nay Nghị định mới quy định mức phạt tiền từ 300-500 triệu đồng.
Thay vì phạt tiền từ 5-12 triệu đồng với một trong các hành vi: Cho vay, cho thuê tài chính hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 18 Nghị định 202/2004/NĐ-CP); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ với người nước ngoài không đúng quy định của pháp luật; mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật thì tại Nghị đinh mới tăng mức phạt lên 50-100 triệu đồng.
Nghị định mới còn bổ sung thêm 2 hành vi bị phạt mức 50-100 triệu đồng là: Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật; kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật.
Theo Nghị định, hành vi mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật, ngoài bị phạt tiền còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ trong thời hạn 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm đối với các Đại lý đổi ngoại tệ.
Các tổ chức kinh doanh vàng có hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định của pháp luật còn có thể bị tước Giấy phép hoạt động kinh doanh vàng thời hạn 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm…