Tôi dạy ở Cầu Giấy cả sáng và chiều. Nếu sáng làm từ 7h đến 12h và chiều từ 12h30 đến 17h30 thì buổi trưa chỉ có 30 phút để ăn. Vậy thời gian nào tôi về nhà cho con bú buổi trưa?", một độc giả băn khoăn.
Sau thông tin công chức cơ quan trung ương có thể làm việc từ 9h sáng đến 18h, công chức Hà Nội sẽ làm từ 8h30 đến 17h30, nhiều độc giả đã gửi thư bày tỏ sự đồng tình, nhưng khá nhiều người chia sẻ ưu tư, khó khăn mà gia đình hoặc bản thân sẽ gặp phải.
Trong bức thư với tựa đề "Gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng", độc giả Trần Hưng cho biết, vợ chồng anh cùng là công chức cơ quan trung ương hiện có hai con (2 tuổi và 4 tuổi) đều được gửi ở trường công lập, 7h30 vào học, 16h30 tan.
"Bộ trưởng đưa giờ làm của công chức cơ quan trung ương sáng bắt đầu từ 9h, vợ chồng tôi đưa con đi học lúc 7h30 vậy khoảng thời gian thừa một tiếng vợ chồng tôi làm gì? Đi làm sớm vậy! Vẫn ra đường trong giờ đi làm của người khác nên sẽ vẫn vẫn tắc đường", anh Hưng chia sẻ.
Theo giờ làm cũ, các con anh tan học lúc 16h30 và hai vợ chồng phải gửi lại bảo vệ nhà trường 30 phút và nhanh chóng rời cơ quan sao cho 17h về đón kịp, nhưng nếu điều chỉnh thì 18h vợ chồng anh mới từ cơ quan về (đến nhà là 18h30) và từ 16h30 đến 18h30 không biết để con ở đâu hay gửi ai.
"18h30 mới về đến nhà đón con và lúc đó mới bắt đầu công việc cơm nước, quần áo, tắm rửa cho các con..., cho cháu lớn học bài... Bộ trưởng thử nghĩ xem mấy giờ gia đình tôi mới được nghỉ ngơi? Các cháu mấy giờ được đi ngủ, ngày mai dậy lúc mấy giờ trong khi 7h30 đã phải đi học?", độc giả Trần Hưng nêu câu hỏi.
Cho rằng giải pháp này không hữu ích mà còn gây nhiều rắc rối, bạn đọc Dung viết: "Bộ trưởng nói mọi người phải vì việc chung mà điều chỉnh việc đón con. Như Bộ trưởng bảo, con nhờ ông ngoại đón, nhưng đó là nhà có ông ngoại chứ những gia đình ông bà đã mất hay đã già yếu thì biết nhờ ai? Hơn nữa nhà điều kiện thì có thể thuê lái xe, ôsin đón hộ chứ nhà neo người, kinh tế khó khăn biết nhờ ai?".
Chị Dung cũng cho hay, trong khoảng 6h-9h sáng nếu không đi làm, mọi người có thể sẽ ra đường làm công việc khác thì lại càng ùn tắc thêm và lúc đó người dân hoặc doanh nghiệp ngoài nhà nước muốn giải quyết công việc có liên quan đến cơ quan nhà nước lại phải chờ đợi.
Là giảng viên đại học, độc giả Mão nêu bức xúc: "Tôi dạy ở Cầu Giấy cả sáng và chiều. Nếu sáng làm từ 7h đến 12h và chiều từ 12h30 đến 17h30 thì buổi trưa chỉ có 30 phút để ăn rồi lên lớp dạy học luôn. Vậy thời gian nào tôi về nhà cho con bú buổi trưa? Thời gian nào tôi về ăn cơm với gia đình? Kính mong những người soạn dự thảo nhìn bao quát và cụ thể", nữ giáo viên này chia sẻ.
Dù ủng hộ đề xuất, song nhiều độc giả cho rằng Bộ trưởng Thăng cần xem lại cách quy định giờ học của sinh viên. "Có lẽ các bác đã quá xa thời sinh viên rồi nên quy định giờ học vô lý như vậy. Tại sao công chức bắt đầu làm việc từ 9h mà sinh viên thì 6h30 phải dậy đi học trong khi họ thường phải thức rất khuya vì nhiều lý do? Thêm nữa, dù bắt đầu học từ 6h30 thì cũng chẳng giảng viên nào chịu lên lớp giờ đó. Giờ học này cũng sẽ không hiệu quả và phi thực tế, nên bắt đầu 7h30 hoặc 8h sẽ có lý hơn", một độc giả viết.
Tương tự, bạn đọc Tràng Thi cho rằng, nếu một lượng lớn sinh viên phải đi học từ 6h30 sáng thì không phù hợp trong mùa đông (xét về góc độ chu kỳ sinh học), ảnh hưởng đến sức khỏe vì thầy trò phải dậy từ 5h sáng giữa tiết trời giá rét.
Sinh viên Hằng bày tỏ tâm tư: "Sinh viên bây giờ đi học sáng sớm đã rất vất vả rồi mà lại 6h30 đã vào học. Có những bạn nhà xa đi buýt mất cả tiếng mới tới được trường trong khi giờ cao điểm không có xe, mà bây giờ còn sớm thế thì làm gì có xe mà đi...".
Còn theo bạn đọc Phong, điều chỉnh giờ làm phải để ý tới khả năng làm việc và học tập cao nhất bởi 8h30-9h mới làm thì rất phí vì buổi sáng là lúc con người minh mẫn nhất để làm việc. Vậy nên thay vì điều chỉnh thời gian làm việc và học tập, nên tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Trong khi đó, độc giả Hien chia sẻ: "Kế hoạch học tập và làm việc của bao nhiêu ngành nghề đã được lên lịch để đạt được sự ổn định trong một thời gian dài nay bị thay đổi, không rõ cơ sở khoa học, thực tiễn ở đâu? Đơn giản là công chức nhà nước cần đưa con đi học ở cấp THPT thì sẽ làm gì từ 7h đến 9h sáng? Liệu rằng đây chỉ đơn giản là cách chuyển giờ tắc đường?".
Chung quan điểm, độc giả An nhìn nhận, việc đưa ra các quy định ảnh hưởng lớn đến số lượng lớn người dân cần được điều tra, thống kê cụ thể, nghiêm túc, và cần phải đưa ra con số chính xác đến mức tối đa có thể.
"Giờ làm việc của công chức và giờ học của trẻ con có thể điều chỉnh để phù hợp hơn, nhưng đề xuất giờ học của mầm non và tiểu học đến tận 17h30 là chưa tính đến thể chất, tâm lý của trẻ con, chưa kể bố mẹ làm đến 18h thì ai đón con?", vị phụ huynh này nêu vấn đề.
Cũng theo độc giả An, giải pháp cho tắc đường là vấn đề cực kỳ nan giải. Tuy nhiên, nếu các nhà quản lý cứ loay hoay điều chỉnh lưu lượng người tham gia giao thông mà không quan tâm đến gốc của vấn đề là cơ sở hạ tầng và vấn đề nhập cư thì mãi mãi chỉ trong vòng luẩn quẩn mà thôi.