Đô thị hiện đại
Hôm qua 15.8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã đến thị sát địa điểm xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị - công nghiệp - cảng Hiệp Phước có quy mô khoảng 3.600 ha. Trong đó khu cảng chiếm khoảng 336 ha; khu đô thị 1.238,5 ha, còn lại là khu công nghiệp.
Triển khai dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM, với mục tiêu xây dựng một khu đô thị hiện đại, mang tính đặc thù về cảng biển, không chỉ kết nối với đô thị hiện hữu, mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) trong thời gian qua đã xúc tiến lập dự án quy hoạch tổng thể của khu đô thị này. Tiến độ thực hiện dự án: cuối năm 2008 sẽ hoàn tất và trình duyệt quy hoạch 1/5.000, 1/2.000; năm 2009-2012 đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu đô thị song song với việc hoàn thành đầu tư khu công nghiệp, cảng; năm 2012-2015 đầu tư phát triển khu đô thị Hiệp Phước. Với quy mô dân số khoảng 250 ngàn người, khu đô thị cảng Hiệp Phước có đầy đủ các dịch vụ tổng hợp hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của khu cảng, khu công nghiệp Hiệp Phước...
Tiềm năng cảng biển
TS Trương Ngọc Tường, Kỹ sư trưởng Portcoast (Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển - đơn vị tư vấn thiết kế dự án nạo vét sông Soài Rạp) cho biết, luồng sông Soài Rạp sau khi nạo vét giai đoạn 2 (dự kiến tháng 10.2008 sẽ khởi công) với độ sâu -12m sẽ cho tàu 50-70 vạn tấn ra vào, điều này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư và tàu hàng có tải trọng lớn trên khắp thế giới vào TP.HCM.
Hiện nay Hiệp Phước đã có nhà đầu tư xây dựng cảng biển. TS Trương Ngọc Tường cho biết, nếu phát triển đầy đủ, Hiệp Phước sẽ có 8 km cảng, khả năng có thể đạt sản lượng 150-200 triệu tấn hàng thông qua trong 1 năm.
Chú trọng chất lượng cuộc sống
Khối lượng đền bù giải tỏa của cả khu đô thị cảng Hiệp Phước là rất lớn, để đảm bảo tiến độ, công tác đền bù giải tỏa là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết, IPC sẽ đảm bảo nguồn kinh phí nạo vét luồng sông Soài Rạp, san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, còn kinh phí giải phóng mặt bằng, IPC cần được TP hỗ trợ vay không lãi suất.
Công tác đền bù giải tỏa, theo ông Thân Trọng Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, là rất khó. Bởi lẽ đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, lại tiếp cận với một khu đô thị có giá cả biến động lớn là Phú Mỹ Hưng, nên giá đất tăng cao. Việc giải tỏa di dời dân cũng rất khó khi chưa có khu tái định cư. Ông Thân Trọng Hiếu đề nghị các sở, ngành chức năng của thành phố làm sao đảm bảo các thủ tục được giải quyết nhanh nhất, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Về việc này, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị UBND TP vận dụng chính sách đền bù đất nông nghiệp xen cài với đất ở để mở lối ra cho công tác đền bù giải tỏa. Ông Lê Thanh Hải cũng yêu cầu các khu tái định cư nơi đây phải có hệ thống cơ sở hạ tầng, trường học, chợ búa, trung tâm dạy nghề... sao cho người dân Nhà Bè có chất lượng sống tương đương với khu đô thị Phú Mỹ Hưng. "Việc này hoàn toàn khả thi và lãnh đạo thành phố cũng đã thống nhất cao như vậy" - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.