“Thiếu sót” và trái khoáy trong quy hoạch
Theo Quyết định 752/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Dự án được xây dựng tại phường An Phú Đông (quận 12), có diện tích 11 ha. Quy hoạch rõ ràng như vậy, song ngày 15/5/2003, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM lại phê duyệt bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 (Văn bản số 1741/QHKT-QH) khu biệt thự nhà vườn Thanh Thủy, diện tích 550 ha, chiếm 2/3 diện tích phường An Phú Đông. Đồ án này chỉ quy hoạch 2 khu xử lý nước thải 1,9 ha và 4,06 ha được bố trí tại khu phố 2 và 5, còn lại là đất dân cư hiện hữu, dân cư xây dựng mới, giao thông…
Sau khi có quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, ngày 13/11/2003, UBND quận 12 đã có Công văn gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM (nay là Trung tâm Chống ngập TP.HCM) - đơn vị sẽ quản lý Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (sau khi hoàn thành) - thông báo: “Vị trí đặt khu xử lý nước thải rộng 11 ha theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong Khu đô thị nhà vườn Thanh Thủy cạnh sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật là không phù hợp” với quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được duyệt.
Ngày 3/11/2004, Ban Quản lý này có Công văn gửi UBND quận 12 đề nghị xây Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát tại khu xử lý nước thải 1,9 ha trong Khu đô thị nhà vườn Thanh Thủy, đồng thời yêu cầu mở rộng lên 11 ha theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, UBND quận 12 đã có văn bản chấp thuận với đề xuất này.
“Đồ án quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2.000 theo Văn bản số 1741/QHKT-QH chưa phù hợp với quy mô khu xử lý nước thải theo Quyết định 752/QĐ - TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là thiếu sót trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch tại thời điểm đó”, ông Nguyễn Tường Minh, Phó chủ tịch UBND quận 12 đã thừa nhận trong Công văn số 2477 ngày 13/10/2010.
Giá đền bù quá thấp và sự lạ trong điều chỉnh cục bộ
Ông Nguyễn Văn Quang, một người dân trong khu vực cho biết, giá đền bù đất nông nghiệp ở đây chỉ từ 200.000 đến 250.000 đồng/m2, quá thấp so với giá thị trường.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 12 cho biết, việc thu hồi đất cho Dự án căn cứ theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 35/2010/QĐ-UBND của UBND TP.HCM. Đến thời điểm hiện tại, Ban này đã kiểm kê hiện trạng đất của 175 trên tổng số 229 hộ, 54 hộ còn lại không cho kiểm kê. Trong số hộ đã kiểm kê hiện trạng, đã ban hành quyết định bồi thường cho 25 hộ, tuy nhiên chỉ có 3 hộ đã nhận tiền, còn 22 hộ vẫn chưa đồng ý vì cho rằng, đơn giá bồi thường quá thấp.
“Từ phản ánh của người dân về việc không đồng thuận với giá đền bù, ngày 24/10/2011, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 5237/UBND-ĐTMT về điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp. Theo đó, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm ở vị trí mặt tiền đường được nâng từ 250.000 đồng/m2 lên 375.000 đồng/m2, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm ở vị trí mặt tiền đường từ 200.000 đồng/m2 lên 300.000 đồng/m2”, vị đại diện này nói.
Được biết, nguồn vốn giải phóng mặt bằng của Dự án do nhà đầu tư ứng trước và sẽ được cộng vào giá trị đầu tư để tính diện tích đất giao lại theo hợp đồng BT.
Bên cạnh đó, trong Văn bản số 2465 ngày 22/4/2008 của UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát có nêu việc Nhà đầu tư Phú Điền đề xuất chỉ xây dựng trên diện tích 4 – 7 ha trong quy hoạch 11 ha do áp dụng công nghệ mới, hiện đại cùng với việc xây dựng các công trình điều hành, phòng thí nghiệm ngay trên nóc bể, nên tiết kiệm được diện tích đất. Phần diện tích còn lại là vùng đệm và phát triển thành công viên. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND TP.HCM đã có Quyết định 4040/QĐ-UBND ngày 16/9/2010 phê duyệt “Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch” chi tiết Dự án, với tổng diện tích đất 13,6 ha, nhiều hơn so với đất quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.